Xã hội

Xe xuất nông sản tại Tân Thanh có còn bị chèn ép, thu tiền giá cao?

09/09/2022, 15:16
image

Sau khi Báo Giao thông phản ánh, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo chấn chỉnh; tài xế xuất khẩu nông sản không còn chịu cảnh bị chèn ép, thu tiền giá cao.

Chi phí xuất khẩu nông sản đã giảm

Vừa trở về sau chuyến vận chuyển thanh long từ miền Nam ra cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, chị N.T.T, chủ xe quê Lào Cai chia sẻ: Hiện nay tại cửa khẩu đã không còn bị ách tắc cục bộ, xe ra đến cửa khẩu Tân Thanh là được tiếp nhận thực hiện thủ tục, đưa đi xuất khẩu luôn.

"Tuy chưa được “nhà luật” (người làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu - PV) ký biên bản nhận bàn giao xe và hàng hóa để đưa sang biên giới theo yêu cầu nhưng khi container hoàn thành giao hàng, tôi được thông báo chi phí xuất khẩu chuyến hàng là 21,6 triệu đồng.

Theo tôi, đây là mức giá hợp lý, đã giảm gần 10 triệu đồng so với thời điểm trước nên tôi không có thắc mắc gì", chị T. nói.

img

Xe nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh.

Tương tự, đưa ra hợp đồng vận chuyển hàng hóa đã ghi rõ địa điểm nhận hàng, thời gian vận chuyển, địa điểm bàn giao và giá cước..., chị T.T.L, chủ xe quê Bắc Giang cho biết: Rút kinh nghiệm từ các chuyến hàng nông sản xuất khẩu bị thu giá cao thời điểm trước, ngay từ khi đàm phán ký hợp đồng, chị đã yêu cầu chủ hàng làm rõ “tiền luật” là bao nhiêu.

“Theo đó, tôi đã thỏa thuận trước “tiền luật” cho xe và hàng qua biên giới là 22 triệu đồng, được trừ thẳng vào tiền cước xe khi ký hợp đồng.

Cụ thể, thay vì nhận số cước 82 triệu đồng/chuyến và phải chi trả toàn bộ chi phí cho xe sang Trung Quốc trả hàng như trước đây, tôi đã chủ động giảm bớt số tiền này nên chỉ nhận 60 triệu đồng tiền cước cho chuyến hàng. Việc chi trả chi phí cho xe và hàng hóa qua cửa khẩu thì chủ hàng tự phải thực hiện”, chị L nói.

img

Bảng kê phí dịch vụ xe thanh long vừa xuất khẩu sang Trung Quốc trở về có giá 21,6 triệu đồng.

Khảo sát tại cửa khẩu Tân Thanh trong những ngày gần đây, PV Báo Giao thông ghi nhận, nhiều chủ xe đã yêu cầu tài xế phải quay phim, chụp ảnh hiện trạng xe, lập thành biên bản, có sự xác nhận của lái xe chuyên trách và các nhân viên của đơn vị quản lý bến bãi là Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên trước khi xe sang Trung Quốc.

Việc làm trên nhằm xác định xe trước khi xuất khẩu đều bảo đảm về chất lượng, số lượng hàng hóa; các thiết bị đi kèm trên xe như máy phát, ốp đinh container, lốp xe, lượng dầu trong bình... đều bảo đảm yêu cầu, hoạt động tốt.

Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên và những người có liên quan phải có trách nhiệm giám sát, bảo quản xe trong quá trình nhận bàn giao, đưa phương tiện qua Trung Quốc trả hàng.

img

img

Hợp đồng vận chuyển đã trừ phí dịch vụ tại cửa khẩu ra khỏi giá cước vận tải.

Theo Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng -Lạng Sơn, thời gian gần đây năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu qua Lạng Sơn đã được nâng lên rõ rệt và thuận lợi. Nhiều tháng nay, tại cửa khẩu đã không còn xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc cục bộ. Đơn cử, chỉ tính riêng ngày 6/9, tổng số phương tiện xuất, nhập khẩu thông qua trong ngày là 889 xe.

Trong đó, tổng số phương tiện có hàng xuất khẩu là 217 xe (137 xe hoa quả và 80 xe mặt hàng khác); cửa khẩu Hữu Nghị là 54 xe, cửa khẩu Tân Thanh 163 xe.

Tính đến 20h ngày 6/9, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 151 xe, trong đó có 90 xe hoa quả, 61 xe mặt hàng khác; tăng 3 xe so với ngày 5/9. Đa phần các phương tiện còn tồn đọng trong ngày được tập trung tại cửa khẩu Tân Thanh với 120 xe.

Công khai chi phí, đồng bộ giải pháp

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Thắng, Trưởng ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng -Lạng Sơn, ngay khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Giao thông về việc nhiều tài xế, chủ xe bức xúc về việc bị giữ giấy tờ, phương tiện để đòi tiền giá cao, đơn vị này đã chỉ đạo làm rõ các chi phí liên quan tại hai bên cửa khẩu.

Theo đó, tại cửa khẩu Tân Thanh (phía Việt Nam), không kể phí dịch vụ ra, vào bến bãi do Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên trực tiếp thu thì tổng số tiền thu theo quy định đối với xe nông sản xuất khẩu là 4.920.000 đồng.

Cụ thể, Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên thu 3,6 triệu đồng/xe đối với phí dịch vụ cắt container, đổi đầu kéo, lái xe chuyên trách kéo sang cửa khẩu và kéo container về trả tại bãi; phí kiểm dịch thực vật là 300 nghìn đồng, kiểm dịch y tế 200 nghìn đồng, phí hạ tầng 800 nghìn đồng, phí lập tờ khai hải quan 20 nghìn đồng/xe.

Ngoài ra, ngày 22/7, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng -Lạng Sơn đã gửi thư trao đổi, thông tin do tài xế, lái xe Việt Nam thắc mắc, cho rằng những khoản thu tại Trung Quốc quá cao.

Ngày 26/7, chính quyền TP Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc đã gửi thư trả lời. Trong đó cho rằng: "...Nhiều khoản phí được thu và điều tiết theo thị trường; không vi phạm các quy định pháp luật liên quan về giá, không có hiện tượng giá quá cao".

Cơ quan chức năng Trung Quốc cũng cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng các biện pháp giảm giá, tối ưu hóa các dịch vụ thông quan cửa khẩu nhằm thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Trước đó, Báo Giao thông đã có loạt bài phản ánh thông tin nhiều tài xế, chủ xe cho rằng họ bị “nhà luật” (người làm thủ tục tại cửa khẩu) giữ giấy tờ, phương tiện, ép đưa tiền giá cao; nhiều trường hợp lên đến 30 triệu đồng và có nhiều dấu hiệu bất thường, vô lý.

Một số cũng cho biết, lợi dụng tình hình ách tắc tại cửa khẩu thời điểm trước nhiều “nhà luật” và chủ hàng đã giữ xe tại cửa khẩu để phạt tiền cước, yêu cầu đền tiền vì hỏng hàng...

Sau khi Báo Giao thông phản ánh, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh.

Theo đó, hàng chục phương tiện bị giữ tại nước bạn đã được cơ quan chức năng hỗ trợ đưa về nước, nhiều chủ xe đã được chủ hàng chi trả đầy đủ số tiền cước còn nợ.

Cơ quan chức năng Trung Quốc cũng gửi kèm, công khai các khoản thu tại cửa khẩu Pò Chài (Trung Quốc). Cụ thể, có 10 khoản thu tại bãi hàng của Công ty Mậu thương mại quốc tế TP Bằng Tường (Trung Quốc).

Lãnh đạo quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng -Lạng Sơn cũng thông tin: Qua trao đổi, tính toán, trung bình mỗi xe nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh đều phải chi phí từ 14 đến 16 triệu đồng tại Trung Quốc.

Hiện nay, tuỳ từng trường hợp xe trả hàng tại Trung Quốc dài hay ít ngày, sử dụng những dịch vụ gì; trung bình chi phí xuất khẩu 1 chuyến hàng nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh cao nhất cũng chỉ dao động từ 18 đến 22 triệu đồng/xe.

Hiện nay, toàn bộ các chi phí liên quan tại 2 bên cửa khẩu cũng được niêm yết công khai tại cửa khẩu để người dân, doanh nghiệp cùng nắm được và thực hiện.

“Để giải quyết dứt điểm tình trạng lợi dụng tình hình để chèn ép, thu tiền giá cao tại cửa khẩu, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lái xe và chủ xe.

Theo đó, ngay từ khi lập hợp đồng vận chuyển nông sản, chủ xe phải ghi rõ các thông tin về phương thức, thời gian vận chuyển; địa điểm, thời điểm, người giao hàng, giá cước, các khoản phí phải trả... Nhất là khi giao hàng tại cửa khẩu phải có biên bản bàn giao, ký xác nhận rõ số lượng, chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán cụ thể... trước khi cho xe xuất cảnh sang Trung Quốc để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trong xuất khẩu nông sản.

Đặc biệt, tuyệt đối không thỏa thuận miệng một cách chung chung, mơ hồ, đưa cả giá dịch vụ xuất khẩu vào giá cước vận tải dẫn đến việc thu, chi tiền thiếu minh bạch, dễ bị các đối tượng lợi dụng, trục lợi dẫn đến tranh chấp”, ông Lê Văn Thắng khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.