Văn hóa - Giải Trí

Xem Trung thần, “sởn da gà” trước hùng bi, bạo liệt sân khấu tuồng

18/04/2019, 06:12

“Trung thần” (tác giả Hoa Hạ) vừa được Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng trong phiên bản tuồng, dưới bàn tay của một đạo diễn thiên về cải lương.

img
Một cảnh trong vở tuồng Trung thần

Lần đầu tuồng được diễn nhanh, gọn, mạnh

Kịch bản “Trung thần” được nghệ sĩ Hoa Hạ sáng tác dựa trên bối cảnh từ lúc vua Gia Long quyết định chọn hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Tả quân Lê Văn Duyệt được cử vào Nam giữ chức vụ Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai.

Là một trung thần, nhưng cuộc đời của Lê Văn Duyệt lắm biến cố. Ông đã xử trảm Huỳnh Công Lý - cha của Vương phi Mỹ Lan đang được vua Minh Mạng sủng ái, vì lý do Huỳnh Công Lý hiếp đáp dân lành, tham nhũng của công. Lê Văn Duyệt đã đứng về phía nhân dân, nhưng mối thù lại khoét sâu với triều đình. Được nhân dân kính yêu, dày công sức với triều đình nhưng đến khi hòa bình, ông lại chết oan vì bị gian thần hãm hại.

Tấn bi kịch của Lê Văn Duyệt, cũng như những trung thần khác bên cạnh ông như trung quân Nguyễn Văn Thành và hữu quân Lê Chất đã được các nghệ sĩ thể hiện đầy dữ dội dưới hình thức tuồng. Đi theo thông điệp “Vua xử thần tử, thần bất tử bất trung”, cuộc đời của tả quân Lê Văn Duyệt khiến người xem phải suy ngẫm.

NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, phong cách trong tuồng thường hướng tới sự bạo liệt và dữ dội. Ban đầu, bản thân nữ đạo diễn đã lo lắng, bộ môn nghệ thuật truyền thống bác học, nghiêm cẩn và quy chuẩn như tuồng thì khó chấp nhận sự phá cách vốn có của chị. “Tuồng có những niêm luật riêng và truyền thống. May mắn là tôi lại vào được để mang lại một hơi thở tuồng nhất”, nghệ sĩ Quỳnh Mai chia sẻ.

Quả thực, “Trung thần” đã được dàn dựng đầy mạnh bạo và phá cách, đan xen nhiều lớp diễn. Nữ đạo diễn sử dụng nhiều thủ pháp như ước lệ, tượng trưng. Thiết kế mỹ thuật kỳ công để mang nhiều tầng ý nghĩa. Những chiếc chân của ngai vàng không chỉ là chân ngai đơn thuần mà còn tượng trưng cho các trung thần - những “cái chân” vững chắc cho triều đại. Âm thanh ánh sáng cũng được sắp đặt để đẩy mạnh tiết tấu, thể hiện rõ ràng tính cách của nhân vật. Điều này theo quan niệm của NSND Hoàng Quỳnh Mai là “sân khấu ngày nay phải nhanh, ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu vì thời lượng có hạn”.

img
Một cảnh trong vở tuồng Trung Thần

Đạo diễn “tay mơ” dựng, vác vở đi dự Liên hoan

Đây là lần đầu tiên NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng một vở tuồng nên nữ nghệ sĩ thừa nhận, chị từng rất sợ hãi. Chị từng làm cải lương, chèo và mỗi loại hình mang một phong cách riêng. Cải lương là trữ tình thì tuồng lại hùng bi, bạo liệt. Do đó, trước khi dàn dựng vở này, chị đã phải xem lại rất nhiều vở tuồng cổ để học cách dàn dựng. Quá trình thực hiện gần 2 tháng trời, chị cũng phải vừa làm vừa học tập từ các nghệ sĩ tiền bối. Sự hoành tráng với hơn 60 diễn viên trong vở cũng không làm khó được chị, dù theo đạo diễn Quỳnh Mai, chị phải mất khá nhiều công sức và thời gian để làm công tác diễn viên, để giúp các diễn viên hiểu về vai diễn của mình cũng như câu chuyện được nói đến. Có lẽ vì thế, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã mang tới một hơi thở mới mẻ cho vở tuồng.

Nghệ sĩ Văn Quyết (vai gian thần Huỳnh Công Lý) cho biết, vở diễn này có phong cách dựng cũng như cách xử lý khá mới mẻ với các nghệ sĩ của nhà hát. Nếu như trong các vở tuồng trước đây sử dụng cảnh trí linh hoạt thì vở diễn này lại sử dụng cảnh cứng. Bục bệ rất lớn và cách chuyển cảnh cũng được thực hiện ngay cả khi diễn viên vẫn diễn trên sân khấu thay vì ngắt quãng để chuyển cảnh như cách làm thường thấy.

“Trong buổi tổng duyệt vở diễn, phân đoạn Huỳnh Công Lý bị chém đầu, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã xử lý bằng cách tung cái đầu lên. Khán giả ở dưới vỗ tay hò hét rất lớn. Tôi thấy đây là cách làm đúng, mang đúng màu sắc dữ dội để cho khán giả có nhiều cảm xúc cùng các nhân vật trong vở diễn”, nghệ sĩ Văn Quyết bộc bạch. Anh cũng tiết lộ khi tham gia vở, bản thân không có nhiều thời gian đầu tư cho vai diễn vì anh đang bận học tập. Anh phải tranh thủ những lúc rảnh lao vào tập luyện, thậm chí xin nghỉ học tập khi bài học hôm đó không quá quan trọng. Có những ngày, đoàn phải làm việc từ 5h sáng.

Điều đặc biệt, hầu hết diễn viên tham gia vở diễn đều là những diễn viên trẻ của Đoàn nghệ thuật thể nghiệm. Có những diễn viên chỉ vừa 19 tuổi cũng được tham gia. Đây là điều mà ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam tự hào vì các diễn viên trẻ đã nỗ lực hết mình để tập luyện và nghiêm túc dấn thân vì nghệ thuật truyền thống.

“Các diễn viên chính, chính thứ đều là những diễn viên trẻ vừa được đào tạo xong. Chúng tôi mạnh dạn để các diễn viên trẻ tiếp cận một vở tuồng mang tính lịch sử, cũng như để họ có cơ hội để tiếp cận, học hỏi các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm”, ông Tuấn khẳng định. Được biết, vở được dàn dựng để tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp tuồng, Dân ca toàn quốc năm 2019 vào tháng 5 tới đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.