Xã hội

Xem xét yếu tố đặc thù khi sáp nhập huyện, xã

Nhắc đến Hà Nội người ta lại nhắc đến 36 phố phường, mà 36 phố phường đó lại nằm trọn hầu hết ở quận Hoàn Kiếm.

Báo Giao thông vừa đăng bài “Cân nhắc kỹ việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm”, phản ánh việc theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người.

Trong hai năm tới, các huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.

img

Hồ Gươm thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Đặng Tuấn Trung.

Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Đón nhận thông tin này, nhiều bạn đọc tỏ ra khá bất ngờ. Đa phần đều bày tỏ sự tiếc nuối nếu như quận Hoàn Kiếm phải sáp nhập và mang một cái tên khác.

Thậm chí, nhiều người còn hài hước ghép tên quận Hoàn Kiếm với một số quận khác để “dự đoán”.

“Nhắc đến Hà Nội người ta lại nhắc đến 36 phố phường, mà 36 phố phường đó lại nằm trọn hầu hết ở quận Hoàn Kiếm.

Hoàn Kiếm cũng là di tích gắn liền với sự tích Vua Lê trả kiếm cho Rùa thần, giờ nếu cái tên không còn nữa, sẽ không hiểu ra sao”, bạn đọc Quỳnh Anh bày tỏ.

Bạn đọc Trần Thắng thì cho rằng, xét về yếu tố diện tích và dân số thì quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập, nhưng xét về văn hóa, lịch sử, thì cần cho Hoàn Kiếm cơ chế đặc thù.

“Đơn vị hành chính được xác lập không chỉ thuần túy dựa trên cơ sở hai tiêu chí là dân số và diện tích - mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như lịch sử, văn hóa, phong tục, vị trí địa lý”, bạn đọc này viết.

Cho rằng địa danh nào cũng đều mang giá trị lịch sử, có danh, tuy nhiên đối với Thủ đô Hà Nội thì nên giữ nguyên các quận gốc có tính lịch sử lâu đời, đã ăn sâu vào tâm trí của người dân, bạn Nguyễn Như Mai góp ý, cần cân nhắc kỹ.

Bên cạnh đó, bạn đọc này cũng bày tỏ, cần xem xét một số trường hợp ngoại lệ không sáp nhập. Đó là những xã, phường, thị trấn, huyện có truyền thống lịch sử anh hùng, có những công trình kiến trúc, di tích lịch sử tâm linh, có những danh nhân văn hóa kiệt xuất của đất nước thì không đổi tên.

“Có như vậy mới giữ gìn được truyền thống yêu nước, anh hùng, chống ngoại xâm. Nếu trong trường hợp phải sáp nhập thì phải giữ lại tên của đơn vị hành chính đó”, bạn đọc viết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.