Làm báo cùng Giao thông

Xét xử vụ án Hoa hậu Phương Nga: Phiên tòa gây dựng lòng tin?

30/06/2017, 07:55

Không có một tòa án nào phán quyết được lương tâm con người.

14

Hai bị cáo Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung tại phiên tòa - Ảnh: Vietnamnet

Đừng mỉa mai chuyện chúng ta mất thời gian về vụ án Nga - Mỹ (hoa hậu Trương Hồ Phương Nga được cho là lừa đảo 16,5 tỷ đồng của đại gia Cao Toàn Mỹ). Bởi đó là câu chuyện rất đáng được quan tâm, nó phơi bày rất nhiều chuyện hậu trường mà lâu nay chúng ta chỉ nghe truyền miệng. Hơn nữa, nó hội tụ nhiều vấn đề bức xúc hiện nay của xã hội, nhất là lĩnh vực tư pháp.

*

Qua theo dõi phiên tòa lần này, tôi thấy cần phải... hoan nghênh tòa án. Vì thông thường tại các phiên tòa, bị cáo, bị hại và nhân chứng rất ít khi được Hội đồng xét xử giành thời gian cho trình bày, chỉ trả lời có hoặc không. Thậm chí, luật sư cũng khó có cơ hội để nói.

The Thinh

NB Nguyễn Thế Thịnh

Phiên tòa này tòa án đã cho tất cả các bên có cơ hội.

Nhờ cơ hội đó mà chúng ta biết thêm nhiều điều:

Bị cáo hiểu biết pháp luật và sử dụng đúng quyền của mình, trong đó, ấn tượng nhất là quyền im lặng, điều mà lâu nay bị can ít áp dụng; Hay việc bị cáo cho rằng, mình không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội mà chứng minh bị cáo vô tội là việc của các cơ quan pháp luật...

Có lẽ, đây cũng là lần đầu tiên chúng ta biết nhân chứng có thể được tòa chấp nhận cho ngồi phòng kín để trả lời thẩm vấn.

Từ đó, các bên bộc lộ ra nhiều vấn đề trước công chúng. Vì thế, chúng ta mới biết có hai bản cung giống nhau, có một đường dây liên lạc trong trại giam với ngoài đời, một vụ án có rất nhiều người liên quan trước đó trong vai trò “đạo diễn và diễn viên”… Từ đó, chúng ta mới biết thêm về lòng dạ con người…

*

Ở một góc độ khác, phiên tòa công khai, báo chí được tham dự và đưa tin trực tiếp, có thể nói là cập nhật liên tục. Những bài tường thuật thu hút lượng độc giả lớn hơn bất kỳ sự kiện nào được tường thuật trong nhiều tháng qua.

Sự công khai này có tác động lớn đến cách thức làm việc của các cơ quan pháp luật liên quan đến vụ việc, đặc biệt là các bên làm nhiệm vụ trong phiên tòa như: Công tố, thẩm phán, luật sư… Họ chắc chắn ý thức được rằng, mỗi lời nói của mình được hàng triệu người theo dõi, đánh giá…

Qua đó, người dân được thỏa mãn về thông tin gọi là quyền được biết, hơn thế, nó tạo ra một bầu không khí dân chủ, công bằng (ở một mức độ nào đó) để có niềm tin vào pháp luật.

Thấy tòa làm việc có lợi cho nền tư pháp thì chúng ta ủng hộ và hoan nghênh, còn việc kết án sao thì là một câu chuyện khác. Và bản án được tuyên ở phiên tòa này, hẳn nhiên sẽ phải được cân nhắc cực kỳ cẩn trọng, bởi nó được giám sát bởi lượng người dự khán (trực tiếp và gián tiếp) vô cùng lớn.

*

Trở lại câu chuyện chính để có phiên tòa này.

Không có một tòa án nào phán quyết được lương tâm con người. Nếu con người dối trá, mưu mô thì đến quỷ cũng khóc, thần cũng sầu. Một câu chuyện trai gái, tiền bạc đã không chọn cách giải quyết thông thường mà cố đưa nhau vào vòng lao lý khiến bao nhiêu người tổn hại công sức, mà người thắng đi nữa cũng thanh bại danh liệt thì rốt cục là vì cái gì?

Muốn tòa án xử công bằng thì mỗi con người phải công bằng với chính mình.

Phiên tòa Nga - Mỹ mà chúng ta đang nói đến có nhiều nét mới, như đã nói, gây dựng cho chúng ta lòng tin về sự tiến bộ của nền tư pháp nhưng có quá nhiều câu chuyện xung quanh khiến chúng ta hao mòn lòng tin về con người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.