Luật sư tham dự phiên toà tỏ ra thất vọng khi nhiều câu hỏi không được giám định viên trả lời - Ảnh: Zing.vn |
Ngày 10/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Diễn biến đáng chú ý nhất trong phiên xử ngày hôm qua là dù thiệt hại là căn cứ rất quan trọng để lượng hình nhưng trước nhiều câu hỏi của luật sư về căn cứ và cách tính thiệt hại, giám định viên đều từ chối trả lời.
Đề nghị xác định lại thiệt hại
Bước vào phiên xét xử buổi sáng, luật sư Phạm Công Hùng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh và Lương Văn Hòa hỏi giám định viên về kết luận giám định xác định PVC và PVN thiệt hại hơn 119 tỷ đồng từ hành vi chi - sử dụng sai hơn 1.115 tỷ đồng dùng cho thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Giám định viên trả lời đã giám định trên cơ sở trưng cầu của CQĐT, thực hiện theo đúng Luật Giám định và khẳng định đã có hành vi vi phạm Điều 72 Luật Doanh nghiệp và Nghị định 48, được thể hiện trong kết luận giám định thành phần và giám định chung. Khi luật sư tiếp tục truy vấn về căn cứ, cách tính số tiền được xác định đã gây thiệt hại thì giám định viên từ chối trả lời.
Theo cáo trạng, giám định viên, các Bộ Tài chính, Xây dựng và Kế hoạch & Đầu tư kết luận thiệt hại do việc PVN và Ban Quản lý dự án Thái Bình 2 tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng là hơn 51,6 tỷ đồng. Thiệt hại trực tiếp do việc PVC sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 tỷ đồng (trong tổng số tiền tạm ứng trên) gây ra với PVN là số tiền lãi suất được xác định phát sinh từ tháng 10/2011 (thời điểm đủ điều kiện tạm ứng) đến 3/2012 (thời điểm PVN đòi tiền PVC) là hơn 68 tỷ đồng (tổng cộng 119,6 tỷ đồng). |
Không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ giám định viên, luật sư phải quay sang hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) về nguồn tiền là cơ sở để tính thiệt hại. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khẳng định, tiền dùng để tạm ứng cho PVC nằm trong tài khoản thanh toán của PVN, lãi suất chỉ khoảng 2%;
Tuy nhiên, giám định viên tính thiệt hại bằng lãi suất bình quân tài khoản tiền gửi đầu tư 14% để ra thiệt hại là không chính xác. “Không ai chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiền gửi để xác định thiệt hại, lúc nhận bản kết luận giám định bị cáo đã phản ứng ngay”, bị cáo Sơn khẳng định và đề nghị giám định lại thiệt hại cho chính xác hơn.
Bị cáo Đinh La Thăng khi được hỏi về vấn đề này cũng cho biết thêm, CQĐT có đưa cho bản giám định của các cơ quan. Nhưng do thời gian rất gấp, nên không thể xem xét thấu đáo. “Bị cáo tôn trọng giám định Bộ Tài chính nhưng đề nghị xác định lại giá trị thiệt hại của vụ án nhất là cách tính giá trị thiệt hại bao gồm lãi suất tối thiểu”, ông Thăng nói và cho rằng, một doanh nghiệp có nhiều tài khoản, tiền thanh toán hàng ngày để trong tài khoản thanh toán nên không thể lấy lãi suất tiền gửi để tính thiệt hại tiền thanh toán. Vì tiền này không phải tiền huy động nên lãi suất sẽ khác.
Chiều 10/1, cũng về vấn đề này, dù luật sư đưa ra nhiều câu hỏi về việc giám định thiệt hại nhưng giám định viên đều thẳng thừng từ chối trả lời hoặc “né” cho rằng đã có đầy đủ trong bản giám định.
Đối chất giữa luật sư và giám định viên về vấn đề này thậm chí có phần căng thẳng. Luật sư cho rằng, khoản tiền hơn 119 tỷ đồng được cho là thiệt hại của PVC là do giám định viên đã không nhìn vào vấn đề quan trọng nhất đó là Luật Kế toán và quy định của Ngân hàng Nhà nước để xác định chủ thể có phải pháp nhân gửi tiền tổ chức tín dụng hay không. Về việc này, giám định viên nói họ sử dụng cách thức tính toán chuyên môn để xác định thiệt hại. “Việc đánh giá có chuyên gia chuyên ngành giải thích. Tại tòa nhiều người không có kiến thức sẽ mất thời gian của HĐXX”, giám định viên trả lời.
“Không phải chủ thể gửi tiền sao có thể tính lãi suất?”, luật sư tiếp tục truy. Giám định viên nói, nội dung này liên quan đến ngân hàng đề nghị liên hệ ngân hàng để có câu trả lời xác đáng. Tiếp tục đối chất, luật sư cho rằng, tối đa hóa lợi nhuận phải theo quy định pháp luật. Không có căn cứ pháp lý gửi tiền thì bảng giám định này liệu có hợp pháp không? Về việc này, vị cán bộ giám định cho biết có căn cứ hay không ông không có trách nhiệm trả lời.
Không có chuyện PVN ưu ái cho PVC
Tại phiên làm việc chiều cùng ngày, các luật sư hỏi bị cáo liên quan đến nhóm tội Cố ý làm trái.
Trả lời câu hỏi của luật sư Trần Hồng Phúc, bị cáo Đinh La Thăng khai, khi quyết định cho PVPower là chủ đầu tư, triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật; việc triển khai đã do TGĐ phân công Phó TGĐ cụ thể thực hiện… “HĐTV PVN có nhận báo cáo của PVPower thể hiện đã đầy đủ điều kiện để ký hợp đồng EPC số 33 xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2”, ông Thăng cho biết, đồng thời khẳng định, chỉ đến khi CQĐT làm việc mới biết hợp đồng EPC số 33 của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thiếu căn cứ pháp lý. “Để khởi công dự án có nhiều việc phải làm trong đó có ký hợp đồng… Bị cáo chỉ được báo cáo bằng văn bản là tất cả điều kiện để khởi công dự án đều đầy đủ thì bị cáo đồng ý”, ông Thăng nói.
Tiếp tục hỏi bị cáo Thăng, luật sư Lê Văn Thiệp - người bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề cập đến quan hệ pháp lý của doanh nghiệp giữa PVN và PVC: “Có phải vì là công ty mẹ - con vậy nên PVN có những ưu ái cho PVC và gây thiệt hại cho xã hội?”.
Bị cáo Đinh La Thăng nói, trách nhiệm của công ty mẹ là lo cho các công ty con chứ không phải là ưu tiên. “PVN phải lo cho các con, các con béo khỏe thì tập đoàn lớn mạnh chứ không ưu tiên riêng cho bất kể thành viên nào”, ông Thăng khẳng định.
Bị cáo Thăng cũng nhiều lần nhấn mạnh, “tôn trọng kết luận điều tra và cáo trạng trên tinh thần các văn bản quy phạm pháp luật”, tuy nhiên, có những thứ bản chất vụ việc không hoàn toàn như vậy”. Bị cáo Thăng xin HĐXX xem xét sai phạm ở dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo thực tế và các văn bản quy phạm pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận