Phố Phan Đình Phùng chiều 15/1/2016, nhiều người ngỡ ngàng dừng lại chụp ảnh các cổng chào trông hết sức khó coi vào ban ngày |
Người ta hay ví Hà Nội như một cô gái đẹp duyên dáng trong tà áo dài thướt tha. Vậy mà giờ đây cô gái ấy đang “được” khoác lên những bộ áo quần và đồ trang sức loè loẹt, diêm dúa đến nực cười.
Ừ thì Tết sắp đến rồi, trong ngày lễ hội, cô gái nào cũng thích được trang điểm và mặc đẹp! Nhưng làm thế nào cho ai nhìn cũng yêu chứ loè loẹt quá khiến mọi người ngỡ ngàng chả nhận ra.
Trang trí đô thị trong những dịp đặc biệt là một công việc đòi hỏi sự tinh tế và tính thẩm mỹ rất cao. Mỗi khu vực phải được ứng xử theo đúng tính chất và bản sắc của nó.
Khu phố cổ là phần cổ nhất của đô thị Hà Nội, nơi mà những giá trị lịch sử, văn hoá nghệ thuật của nó đã tạo nên bản sắc riêng để người ta thấy nó khác với các đô thị khác. Chính vì thế, xin đừng trang trí quá màu mè làm lấn át vẻ đẹp cổ kính của khu vực Hồ Gươm và phố cổ.
Như một nhân chứng lịch sử, Hồ Gươm kết nối một chuỗi di sản văn hoá của nhiều thời kỳ khác nhau: khu phố cổ, khu phố cũ và nhiều công trình kiến trúc có giá trị cao về văn hoá, lịch sử và nghệ thuật.
Đây chính là hình ảnh để Hà Nội chúng ta thể hiện mình với toàn thế giới, nên nó phải đẹp tinh tế và trang nhã, nó phải được chăm sóc từ những chi tiết nhỏ nhất như những viên gạch lát nền, vỉa hè, ghế đá... cho tới hệ thống ánh sáng và những công trình kiến trúc.
Nhiều khu vực tại Hà Nội được trang hoàng đón năm mới quá cầu kỳ, quá rực rỡ hoặc thiếu sự tinh tế |
Đặc biệt các thiết kế ánh sáng cần được chú trọng sao cho vừa không làm mất đi vẻ đẹp cổ kính, vừa tạo cảm giác tưng bừng lễ hội, tuyệt đối không nên sử dụng nhiều màu loè loẹt và chi tiết rườm rà.
Ở Khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình nên trang hoàng theo phong cách và đường nét mang tính trang nghiêm, đồng nhất. Còn tất cả những thiết kế ánh sáng màu mè loè loẹt hiện nay nên đưa về các khu vui chơi giải trí cho trẻ em, cho những khu đô thị mới...
Đô thị Hà Nội có một điểm rất đặc biệt là nó được phát triển xung quanh một yếu tố tự nhiên với ý nghĩa quan trọng về cảnh quan và lịch sử: Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm).
Nếu muốn mang lại giá trị cho khu phố cổ và biến khu vực Hồ Gươm trở thành một hòn ngọc xanh về cả giá trị thẩm mỹ cũng như không gian sinh thái, việc cần làm trước hết là đề ra kế hoạch chỉnh trang với hiệu quả lớn trong một thời gian ngắn và kinh phí thấp.
Có một vài điểm cốt lõi nên làm sớm. Thứ nhất là giải toả áp lực giao thông quanh hồ và kết nối tốt hơn với mạng lưới đô thị xung quanh. Hiện tại Hồ Gươm đang bị lấn át và cô lập khỏi đô thị với 4 làn xe chạy vòng quanh. Cần mở rộng khoảng xanh 2 bên bờ Đông, Tây, đồng thời giảm lượng giao thông quanh hồ xuống còn 2 làn đường và chuyển hướng ra phía ngoài khu vực. Lát lại nền đường để có thể trở thành đường đi bộ trong những ngày lễ lớn.
Thứ hai là hình thành một khu đi bộ ở phía Bắc (nơi hiện giờ là một bãi đỗ xe lớn, cả xe điện, ô tô và xe máy làm hỏng cảnh quan Hồ Gươm). Khu vực này sẽ kết nối với quảng trường Đông kinh nghĩa thục và là một dấu gạch nối uyển chuyển dẫn người đi bộ vào lõi phố cổ.
Thứ ba là kết nối quần thể di tích đền Ngọc sơn và đền Bà Kiệu. Thứ tư là hình thành một quảng trường nhỏ kết nối phố Tràng Tiền với phố Hàng Bài như chức năng sảnh đón vào khu vực Hồ Gươm.
Và cuối cùng là chỉnh trang lại mặt ngoài phố cổ thật đơn giản nhanh chóng: Dỡ bỏ tất cả những phần chắp vá mặt ngoài các ngôi nhà, trả lại hình dáng gốc của nó, thay tất cả các biển hiệu lộn xộn bằng những biển có kích thước và màu sắc thích hợp, thống nhất. Làm sạch các điểm đổ rác tự phát, trồng thêm các chậu hoa, cây cảnh và dây leo trong những ngõ nhỏ... trong một chiến dịch tổng thể thiết kế trang trí sân vườn, đường dạo vỉa hè, ghế đá cho các diện tích mới được giải tỏa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận