Sẽ cưỡng chế thu hồi đất
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn phải hoàn thành trước 30/4. Thế nhưng, dọc theo tuyến chính vẫn còn nhiều tồn đọng về mặt bằng. Trong đó, điểm vướng lớn nhất nằm trên địa bàn hai huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa, nhất là khu vực đầu tuyến nối với cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi thuộc địa bàn xã Nghĩa Kỳ.
Ghi nhận thực tế đoạn từ Km0 - Km1 nhà dân còn san sát, người dân vẫn sinh hoạt bình thường và chưa có nhiều chỉ dấu cho thấy khu vực này là tuyến chính của công trình trọng điểm quốc gia đang thi công. Số ít người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng đang tiến hành tháo dọn nhà.
Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ngãi, công tác bồi thường, GPMB cao tốc qua địa bàn huyện Tư Nghĩa chưa đảm bảo.
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho rằng, do người dân chưa đồng thuận với mức bồi thường. Cụ thể, toàn huyện còn 38 hộ chưa đồng thuận (7 hộ làm nhà trên đất nông nghiệp không còn đất ở khác). Do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, không đủ cơ sở xem xét giải quyết theo quy định nên huyện phải kiên trì vận động để tìm tiếng nói chung nhằm tháo gỡ từng bước một.
"Địa phương sẽ kiên trì vận động và tập trung giải quyết các trường hợp này theo tinh thần khó ở đâu gỡ ở đó. Trường hợp nào đã ứng dụng các quy định về bồi thường cao nhất nhưng người dân không chấp hành thì sẽ tiến hành bảo vệ thi công", ông Vinh cho hay.
Tính đến ngày 30/4, phần diện tích mặt bằng được tỉnh Quảng Ngãi giải phóng xong là 489/494ha, đạt 99% tổng diện tích quy hoạch. Hiện, còn 59 hộ/4,94ha chưa bàn giao mặt bằng tuyến chính.
Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho biết, tiến độ thi công dự án qua Quảng Ngãi đạt khoảng 22%, chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân do vướng mắc mặt bằng và hạn chế nguồn vật liệu. Riêng mặt bằng, tỷ lệ còn lại rất ít, nhưng các điểm vướng mắc trải dài với 44 điểm vướng cây cối, nhà cửa và 33 điểm vướng hạ tầng chưa di dời.
"Rất nhiều vị trí vướng mắc nằm ở điểm găng tiến độ như cầu, cống, cần sớm được tháo gỡ. Các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng tốc thi công nhưng với mặt bằng như thế này rất khó để gia tăng sản lượng. Mùa mưa đến sẽ càng khó thêm, trong khi thời gian còn lại để hoàn thành dự án không nhiều. Mong tỉnh Quảng Ngãi tập trung tháo gỡ mặt bằng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng", ông Thắng kiến nghị.
Tại buổi làm việc với các bên liên quan bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng vào ngày 7/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp thực hiện.
Toàn tuyến còn 1% diện tích chưa làm xong, các địa phương phải soát xét từng trường hợp, giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật. Tất cả các vướng mắc phải được báo cáo cụ thể, kịp thời để UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Trường hợp dân tiếp tục không đồng thuận thì tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất.
"Trước khi cưỡng chế thì họp dân, mời cơ quan truyền thông thông tin rộng rãi để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Hơn ai hết các cơ quan liên quan phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ cùng bắt tay vào xử lý từng đầu việc. Tập trung vào các điểm vướng tác động đến đường găng tiến độ", ông Hiền lưu ý.
Dứt điểm bất cập mỏ vật liệu ngay trong tháng 5
Liên quan đến mỏ vật liệu, đại diện nhà thầu cho biết đến nay tỉnh Quảng Ngãi chỉ mới cấp phép khai thác 7/10 mỏ đất, song thực tế mới có 4 mỏ đang khai thác gồm: Mễ Sơn, Núi Thị 1, Núi Thị 2 và Đồi Dốc Cao với tổng trữ lượng khoảng 2,93 triệu m3.
Đối với 3 mỏ đất chưa khai thác là Truông Ổi, Bren và Đồi Dốc Cộ với tổng trữ lượng khoảng 2,39 triệu m3. Như vậy, để đáp ứng nguồn vật liệu đất đắp cho dự án cần phải bổ sung thêm khoảng 2,2 triệu m3.
Trong khi đó, mỏ đất Truông Ổi có trữ lượng khảo sát khoảng 1 triệu m3 nằm trên địa bàn xã Nghĩa Kỳ, hơn một năm qua nhà thầu vẫn chưa thể ra mỏ do chưa thỏa thuận thống nhất được với người dân về công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB nên chưa khai thác.
Hiện, nhà thầu bổ sung thêm mỏ đất Thôn Vạn Xuân (Nghĩa Hành) có trữ lượng khoảng 530 nghìn m3 đã qua bước phê duyệt trữ lượng và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, bổ sung 5 mỏ đất mới với trữ lượng khoảng 2,4 triệu m3 gồm: Núi Thị 4, Núi Cấm Ông Thi, Núi Đá Kè, Núi Bé và đất tận thu tại Cụm công nghiệp An Sơn để phục vụ thi công gói thầu XL1.
Trong khi đó, nguồn cát nhu cầu toàn dự án 1,3 triệu m3, đến nay tỉnh Quảng Ngãi mới cấp phép khai thác 3/5 mỏ cát và hiện còn thiếu khoảng 400 nghìn m3.
Đại diện Ban QLDA 2 cho biết, các nhà thầu được cấp mỏ khoáng sản phản ảnh có nhiều khó khăn nhất là công tác bồi thường cây cối hoa màu trên đất và thỏa thuận đường vận chuyển từ mỏ đến công trường.
Thủ tục cấp phép khai thác mỏ còn kéo dài, ảnh hưởng đến việc khai thác. Công tác hợp đồng GPMB với đơn vị chuyên môn của địa phương còn gặp khó khăn vì các đơn vị này bị quá tải công việc.
"Để đảm bảo nguồn vật liệu thi công dự án, Ban sẽ chỉ đạo nhà thầu phối hợp với cơ quan liên quan của Quảng Ngãi để tháo gỡ vướng mắc về mỏ vật liệu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mong tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ để các mỏ vật liệu được đưa vào khai thác sớm nhằm phục vụ tốt công tác thi công nền đường, nhất là đoạn đầu tuyến", đại diện Ban 2 nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền khẳng định: Quảng Ngãi không thiếu đất đắt phục vụ thi công dự án, vấn đề ở đây là nhiều khâu, nhiều vị trí từ nhà thầu, chủ đầu tư đến các cơ quan của tỉnh chưa sâu sát, chưa có quyết tâm dẫn đến "ách tắc".
Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Sở TN&MT, Xây dựng, các địa phương vào cuộc. Trong đó, tập trung hướng dẫn nhà thầu xây dựng phương án hỗ trợ hoa màu trong thời gian khai thác mỏ để phê duyệt và triển khai nhằm đảm bảo vật liệu thi công dự án.
"Các mỏ đã cấp phép, đề nghị nhà thầu phối hợp chính quyền địa phương xử lý vướng mắc, đưa mỏ vào khai thác. Trong tháng 5 này tỉnh sẽ cấp phép tất cả các mỏ đất, mỏ cát còn lại để nhà thầu bắt tay khai thác phục vụ thi công dự án", ông Hiền cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận