Bạn cần biết

Xử lý khẩn thông tin ruốc biển nhuộm đỏ bởi hóa chất độc hại

24/03/2016, 21:10

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị chính quyền địa phương xử lý thông tin ruốc biển nhuộm hóa chất.

hoa-chat
Người dân nhuộm hóa chất vào ruốc biển để tăng màu bắt mắt 

Cụ thể, trong công văn chiều 24/3, Cục An toàn Thực phẩm (ATTP) đề nghị  UBND tỉnh Phú Yên, Cục Quản l‎ý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản... kiểm tra, xác minh và xử lý thông tin người dân sử dụng hoá chất để nhuộm đỏ ruốc. "Ngăn chặn ngay việc sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc, không an toàn để tạo màu cho ruốc (nếu có)", công văn nhấn mạnh.

Trước đó, trên facebook cá nhân của mình, chị Lê My, đã chia sẻ những bức ảnh chụp cận cảnh người dân dưới chân cầu Gành Đỏ (Sông Cầu, Phú Yên) nhuộm ruốc biển bằng hóa chất màu đỏ, trước khi đem phơi bán. Thông tin này nhanh chóng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

Từ những hình ảnh trên, chuyên gia thực phẩm nhận định hoá chất màu đỏ mà người dân Phú Yên nhuộm ruốc có thể là chất Rhodamine B, bởi trước đó cơ quan chức năng nhiều lần đã phát hiện hành vi sử dụng chất này nhuộm cho ruốc, tôm.

Được biết, hoá chất Rhodamine B dùng trong công nghiệp nhuộm vải, bền màu giá rẻ chỉ dưới 20.000 đồng/100g. Nếu người tiêu dùng ăn phải thực phẩm bị nhuộm Rhodamine B, nhẹ có thể gây dị ứng, nổi mẩn da, xung huyết... lâu ngày có thể gây tổn thương gan, thậm và làm nguy cơ ung thư tăng cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội),  Rhodamine B là chất cấm dùng trong thực phẩm và vô cùng độc hại. "Mặc dù là chất cấm nhưng lại khá rẻ tiền và hiệu quả nhuộm rất tốt, giữ được màu nên người ta vẫn lén lút mua và sử dụng nhuộm thực phẩm", ông Thịnh nói.

"Hành động dùng thuốc nhuộm ruốc không chỉ là làm ăn gian dối mà còn là hành vi đầu độc cả cộng đồng. Điều đáng bàn là một việc làm sai, công khai như thế mà không được phát hiện bởi các cơ quan chức năng mà chỉ bị phơi bày sau ống kính của một khách du lịch. Ngoài việc tìm các biện pháp xử phạt người dân thì cơ quan chức năng phải nghĩ đến các biện pháp giải quyết lâu dài cho người dân. Ví như giúp dân bảo quản sản phẩm biển sau đánh bắt, giúp dân tiêu thụ sản phẩm tươi sống. Đừng để đến khi ôi thiu, phải dùng phẩm màu để làm đẹp hòng tiêu thụ thì mới vào cuộc bắt giữ và xử phạt", chuyên gia khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.