Ảnh minh họa |
Điểm tích cực nhất của Nghị quyết về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua, theo đại diện các ngân hàng (NH) và chuyên gia về lĩnh vực này, là chính thức khẳng định quyền vốn có của các NH nhưng bấy lâu họ chưa được thực thi một cách đầy đủ.
Quả thực, theo tinh thần của Nghị quyết là NH được kê biên, thu giữ, xử lý tài sản trong trường hợp khách vay vốn không trả được nợ như cam kết, song đi kèm đó là một loạt điều kiện. Nhưng trên thực tế, nếu tuân thủ các điều kiện này thì hầu hết trường hợp lại vẫn phải quay về thực hiện phương thức cũ, nghĩa là vẫn phải thông qua Toà án và xử lý theo phán quyết của tòa.
Thực tế hiện nay đang “đọng” khối tài sản trị giá hơn 60.000 tỷ đồng trong hoạt động thi hành án. Nghĩa là dù đã có phán quyết của Toà án, song vẫn chưa thi hành án được khiến nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn “treo” trong khối tài sản đó.
Do vậy, hoạt động thu hồi nợ được các ngân hàng tổ chức như thế nào cho hiệu quả vẫn là một câu hỏi đau đầu. Theo đó, nếu vẫn theo đường đi nước bước cũ, rất có thể nợ xấu vẫn dậm chân tại chỗ. Song, nếu xử lý quyết liệt, mạnh tay, có thể sẽ gây phản cảm, thậm chí không loại trừ vấp phải phản ứng tiêu cực của chủ tài sản, dẫn tới những hậu quả khó lường cho cả hai bên. Khi đó, NH có thể đòi được nợ, song hình ảnh, thương hiệu dễ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể dẫn tới tình huống vi phạm pháp luật mà tài sản vẫn không thu hồi được. Mặt khác, không loại trừ một số ngân hàng lạm dụng quy định mới, tổ chức siết nợ quá đà, ảnh hưởng đến người vay vốn.
Dẫu vậy, Nghị quyết này vẫn được thị trường đón nhận với kỳ vọng lớn nhất là hành trình xử lý nợ xấu của NH sẽ có sự đồng hành của chính quyền, các cơ quan chức năng và cả dư luận.
Theo lý giải của lãnh đạo một NHTM, trước đây, hoạt động kê biên, thu giữ tài sản thế chấp của NH, cũng vẫn có sự tham gia của chính quyền, lực lượng chức năng, nhưng với một tâm thế làm giúp, thậm chí làm thuê. Tương tự như vậy, các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến quá trình mua bán, chuyển nhượng tài sản… cũng làm khó làm dễ, kéo dài thời gian, tăng chi phí…
Song, với Nghị quyết đã xác định rõ, đây cũng là chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan này trong hỗ trợ NH, doanh nghiệp để xử lý một vấn đề cấp bách của nền kinh tế. Quan trọng không kém, là khi các NH tổ chức lực lượng kê biên, thu giữ tài sản, dư luận sẽ bớt đi góc nhìn thiếu thiện cảm như lâu nay vẫn nhìn nhận. Tất cả những điều đó sẽ giúp NH triển khai nhanh, quyết liệt hơn trong xử lý tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận