Ngỡ như là giấc mơ
Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, PV Báo Giao thông có dịp đến thăm một số gia đình được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ xây dựng nhà sau cơn bão số 3 (bão Yagi).
Căn hộ đầu tiên PV đến thăm là gia đình bà Nguyễn Thị Phần, 63 tuổi ở thôn 15, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Căn nhà mới rộng chừng hơn 30m2 vẫn thơm mùi vữa, đầy đủ tiện nghi.
Bà Phần kể, bà sinh ra tại xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Năm hơn 20 tuổi bà lấy chồng rồi di cư đi nhiều nơi tại huyện đảo này. Cách đây hơn 30 năm, gia đình bà chuyển về định cư tại xã Hạ Long. Do điều kiện kinh tế khó khăn, cả gia đình 4 người phải sinh sống trong căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp, mùa hè thì nóng hầm hập, mùa đông gió lạnh lùa tứ bề.
Cuộc sống của gia đình luôn bị khó khăn bám riết là do chồng bà sức khỏe yếu và cậu con trai bị bệnh tật từ bé. Trong khi đó, ruộng đất không có, một mình bà phải bươn chải nuôi cả gia đình. Cách đây chục năm, cậu con trai lớn sinh năm 1986 qua đời sau thời gian dài bệnh tật. Bốn năm trước, chồng bà cũng ra đi sau khi bị tai nạn giao thông.
"Con gái út đi lấy chồng, tôi phải đi làm thuê mưu sinh, được khoảng 200 nghìn đồng/ngày. Khi bão về, chưa đầy một tiếng, căn nhà cũ đã bị đổ sập. May là trước đó, xã đã đưa tôi đi tản cư nơi khác, chứ không thì chưa biết thế nào", bà Phần kể và chia sẻ, từ hôm về nhà mới đến nay, bà vẫn chưa dám tin là sự thật.
Theo bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng thôn 15, nhận thấy gia cảnh bà Phần quá khó khăn nên sau bão số 3, chính quyền đã hỗ trợ 50 triệu đồng. Cùng với việc hỗ trợ từ các đoàn thể, nhà hảo tâm, cộng với số tiền vay mượn người thân, bà Phần đã xây được căn nhà trị giá trên 100 triệu đồng.
Có nhà mới nhờ các nhà hảo tâm
Tiếp tục đến thăm gia đình cụ Bùi Thị Miêng (80 tuổi, ở tổ 5, khu 10A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả), PV không khỏi ngỡ ngàng trước căn nhà mới xây khang trang, với nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị.
Trước đó, ngay sau khi bão số 3 vừa tan, PV đã đến thăm gia đình cụ Miêng và chứng kiến cảnh căn nhà cấp 4 cũ nát bị quật tan hoang. Hôm ấy, cụ Miêng và con gái là bà Vũ Minh Thủy (56 tuổi, bị bệnh tim, không có chồng và ở cùng cha mẹ già) đang bần thần bên căn nhà bị đổ sập.
Bà Thủy cho hay, bà bị bệnh tim bẩm sinh, chỉ tính riêng tiền thuốc đã mất gần 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó cha mẹ tuổi cao, cũng đau ốm liên miên nên cảnh nghèo cứ đeo bám mãi.
"Khi bão gây sập căn nhà, chúng tôi phải mỗi người mỗi nẻo. Bố tôi hơn 90 tuổi được họ hàng đón về quê. Còn mẹ con tôi thì đi ở nhờ hàng xóm. May thay, sau bão, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đã ủng hộ tiền để xây nhà. Cả đời cha mẹ tôi không bao giờ dám mơ có được căn nhà đẹp thế này", bà Thủy rưng rưng.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, Yagi được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho địa phương.
Cụ thể, bão số 3 đã làm 30 người chết, 1.609 người bị thương, 102.859 căn nhà bị tốc mái, 1.453 nhà bị đổ sập cùng hàng nghìn công trình, nhà xưởng, hạ tầng giao thông bị thiệt hại nặng nề. Tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra khoảng 28.034 tỷ đồng, tương đương giảm 0,65% tăng trưởng của địa phương.
Mặc dù bị thiệt hại nặng nề như vậy, nhưng với tinh thần "Kỷ luật và đồng tâm" của vùng đất mỏ, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng bắt tay vào tái thiết, phục hồi kinh tế - xã hội.
Riêng đối với các hộ dân bị có nhà bị thiệt hại, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", HĐND tỉnh đã có nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3, khôi phục kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Qua rà soát thiệt hại, cơ quan chức năng xác định có 410 hộ thuộc diện được hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong đó, có 74 hộ xây mới và 336 hộ sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng. Mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/hộ xây dựng mới, 50 triệu đồng/hộ sửa chữa.
Đến nay, 100% địa phương tại tỉnh Quảng Ninh có hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở do bão số 3 đã hoàn thành công tác giải ngân hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Các địa phương cũng chủ động huy động các nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân thiện nguyện để có thêm kinh phí.
Theo ông Ngô Quang Hưng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2025, cùng với triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản đề ra, tỉnh đã chủ trương xóa bỏ 100% nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh do bão số 3 gây ra cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", đảm bảo an sinh xã hội ngày càng bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận