Theo thông tin tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) ngày 17/1, những ngày gần đây, các ga tàu chính của Bắc Kinh vẫn chật kín hành khách rời thủ đô.
Tại thành phố đông dân nhất của Trung Quốc, Thượng Hải, các chuyến tàu đêm đã được bổ sung để đáp ứng nhu cầu của du khách đến tỉnh An Huy.
Trong ngày 14/1 – ngày thứ 8 của đợt đi lại dịp Tết nguyên đán kéo dài 40 ngày được gọi là Xuân Vận - có 42 triệu lượt khách nội địa đi lại bằng đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không, tăng 57% so với cùng ngày trong năm 2022 – theo thông báo của Bộ Giao thông.
Tuy nhiên, số lượt đi lại vẫn chỉ gần bằng 46% so với cùng kỳ trong năm 2019 – thời điểm trước dịch.
Nhà ga đường sắt Hồng Kiều, Thượng Hải đông nghịt khách. Ảnh - SCMP
Trong khi đó, cùng ngày, lượng khách đến Macau vượt mức 55.000 người, đánh dấu lượng khách một ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Tại Hong Kong, chính phủ cho biết sẽ tăng lượng người có thể đi qua các điểm kiểm soát biên giới trên bộ được chỉ định để vào đại lục, từ 50.000 người lên 65.000 người mỗi ngày, trong khoảng thời gian từ 18/1 đến 21/1 - dịp Tết Nguyên đán chính thức năm nay.
Bộ Giao thông Trung Quốc ước tính, có hơn 2 tỉ người sẽ di chuyển trong đợt xuân vận năm nay, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu di biến động dân cư Baidu, tổng số lượt đi lại trong xuân vận 2023 sẽ chỉ bằng 55% so với năm 2019. Phần vì còn dư luận lo ngại nguy cơ nhiễm bệnh hoặc tái nhiễm Covid-19.
Lý do thứ 2 là kể từ khi đại dịch xảy ra xu hướng tuyển dụng lao động nhập cư đã bị hạn chế hơn, giảm nhu cầu đi lại về nhà dịp Tết và cuối cùng là vì thu nhập và dự kiến người dân sẽ thắt chặt chi tiêu đi lại, thăm gia đình xa.
Hiện tại, Trung Quốc đã thay đổi chính sách Zero Covid trước đây, chuyển sang mô hình thích ứng với virus sau 3 năm áp dụng nghiêm ngặt thường xuyên xét nghiệm, phong tỏa trên diện rộng và kiểm soát biên giới.
Vì mở cửa giữa lúc tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp và hoạt động đi lại lớn nên Trung Quốc cũng đang căng mình để đảm bảo đủ nguồn cung y tế tới cả các vùng sâu vùng xa.
Ngày 14/1 đánh dấu lần đầu tiên, giới chức Trung Quốc thông báo số ca tử vong vì Covid-19 tại các bệnh viện ở nước này trong khoảng thời gian từ 8/12-12/1 là 60.000 người - tăng kỷ lục so với con số công bố trước đó.
Trước những áp lực và thách thức như vậy, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chỉ thị yêu cầu chính quyền địa phương sắp xếp nguồn lực nhằm ngăn chặn bùng phát đại dịch bằng cách bảo đảm nguồn cung cấp y tế, củng cố các cơ sở chăm sóc đặc biệt và ưu tiên người cao tuổi.
Các tỉnh cũng đang tăng cường dịch vụ y tế cơ sở, mở thêm phòng khám ở nông thôn và thiết lập “làn xanh” để chuyển thẳng các bệnh nhân có nguy cơ cao, đặc biệt là người già có bệnh nền từ làng xã lên bệnh viện tuyến trên.
Đồng thời, Trung Quốc kêu gọi những người về quê ăn Tết đẩy mạnh công tác phòng dịch, hạn chế tụ tập đông người. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cũng hối thúc nhân viên y tế ở nông thôn đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng đầy đủ cho cư dân, đặc biệt là người cao tuổi.
Ngoài thuốc hạ sốt và nguồn cung cấp oxy, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ trang bị cho tất cả các phòng khám trong các ngôi làng nhỏ các thiết bị như máy đo oxy xung, thiết bị đo nồng độ oxy đầu ngón tay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận