Trong 3 năm ký tới 422 thoả thuận quốc tế
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đưa ra khi phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 sáng 18/12.
Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề "Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương" có sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu từ các Ban, Bộ ngành trung ương; Lãnh đạo các địa phương, Lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ và các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài…
Hội nghị Ngoại vụ diễn ra trong cả ngày với Phiên khai mạc, Phiên đối nội vào buổi sáng, Phiên đối ngoại sẽ diễn ra vào buổi chiều với sự tham gia của các đoàn ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và một số doanh nghiệp tiêu biểu.
Phát biểu khai mạc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến nước ta cũng như sự phát triển của các địa phương.
Cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt và toàn diện hơn, chính trị cường quyền, xung đột bùng phát ở một số khu vực cùng với hệ lụy kéo dài của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp đó, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp.
Trong 3 năm qua, đã có 45 chuyến thăm của các lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm mang tính lịch sừ.
Dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn huy động tốt nguồn lực nước ngoài. Xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8%
"Trong thành tựu chung to lớn đó của đối ngoại, có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương" – Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Ông đánh giá, ngoại giao kinh tế của hầu hết các địa phương đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Trong 3 năm qua, các địa phương đã ký 422 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế; riêng xuất khẩu của 5 địa phương gồm TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng năm 2023 đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cách đây 10 năm.
Ngoại giao văn hóa ở các địa phương tiếp tục khởi sắc với 13 danh hiệu được UNESCO công nhận trong 3 năm qua và còn nhiều hồ sơ di sản đang được UNESCO xem xét. Kết nối địa phương với đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng sâu rộng, chặt chẽ hơn, thiết thực phục vụ phát triển địa phương.
Thế và lực của Việt Nam đã khác, cần tâm thế tiếp cận mới
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xác định đối ngoại địa phương là một trong những binh chủng hợp thành quan trọng của đối ngoại.
Trước tình hình quốc tế đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới và nặng nề hơn về đối ngoại, trong đó có đối ngoại địa phương, đòi hỏi quyết tâm, ý chí và nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, trong đó có các địa phương.
Gợi mở cách để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đưa ra ba vấn đề.
Đáng chú ý là cần phát huy tốt thế và lực mới của đất nước để tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại địa phương.
Nhấn mạnh thế và lực của nước ta ngày nay đã khác so với trước trên nhiều phương diện Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng các địa phương cần xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu.
Theo ông, cần tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, mạng lưới quan hệ đối ngoại rộng mở, nhất là các khuôn khổ quan hệ vừa nâng cấp trong thời gian qua.
Từ đó, mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, công nghệ, tri thức và các nguồn lực khác phục vụ phát triển nhanh, bền vững của địa phương.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp ngoại giao" cho Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Quốc Nam; Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn; Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H'Yim Kdoh; Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương; Phó chủ tịch tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải; Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S; Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương.
Trao Kỷ niệm chương cho Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang Đỗ Quốc Hương; Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Bắc Giang Phạm Dương Tuyển; Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Lạng Sơn Trần Thị Vân Thùy; tặng Bằng khen Bộ trưởng cho các cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác ngoại vụ địa phương giai đoạn 2020-2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận