Lính biên phòng can trường cứu dân gặp nạn giữa phong ba
Hơn 3 tuần kể từ thời điểm cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ, thiếu tá Vũ Giang Nam, Đội trưởng kiêm Thuyền trưởng tàu biên phòng 01-06-42 thuộc Đồn Biên phòng Hạ Long (huyện Vân Đồn) vẫn nhớ như in giây phút sinh tử vượt sóng dữ cứu sống được 2 ngư dân bị đắm tàu trên vùng biển xã Bản Sen.
Thiếu tá Nam kể, sáng sớm 8/9, Đồn Biên phòng Hạ Long nhận được tin báo tại khu vực biển Hòn 2, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn có tàu cá của ngư dân bị đắm, trên tàu có 2 người bị trôi dạt vào đảo đá gần đó.
Lúc này, dù bão đã đi sâu vào đất liền, nhưng vùng biển Vân Đồn vẫn gầm gào dữ dội, đầy hiểm nguy rình rập…
Nhận thông tin, thiếu tá Nam đã xung phong điều khiển và chỉ huy tàu BP 01-06-42 ngược sóng, vượt gió mịt mù hướng ra vùng biển nơi có các ngư dân trên tàu bị đắm.
Bình thường, từ cảng Cái Rồng ra vùng biển Hòn 2, xã Bản Sen chỉ mất hơn chục phút, thế nhưng, sáng ấy, do biển động dữ dội, nên hành trình này đã mất hơn 2 giờ mới tới nơi…
Giữa mịt mù sóng cả như vậy, trong điều kiện thông tin liên lạc bị gián đoạn, phải mất một thời gian lâu sau đó, tổ công tác mới tìm được 2 nạn nhân đã kiệt sức sau gần một ngày chống chọi với sóng dữ và đang lả đi ở một đảo nhỏ.
Anh Tạ Văn Tấn (sinh năm 1990, nhà ở xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) - một trong hai người được thiếu tá Vũ Giang Nam cùng đồng đội cứu hôm ấy đã xúc động cho biết, lúc tàu bị sóng đánh chìm, hai anh cố gắng dìu nhau bơi vào đảo đá gần đó rồi bấu víu vào những mỏm đá sắc nhọn.
"Đói, mệt, chúng tôi đang trong lúc nguy cấp nhất thì may mắn được bộ đội biên phòng cứu. Các anh ấy như đã sinh ra chúng tôi lần thứ 2", anh Tấn xúc động nói.
Còn trung tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh thì nhớ, sáng sớm 8/9, đơn vị nhận được tin báo có rất nhiều tàu, thuyền của ngư dân bị bão đánh chìm ở khu vực hòn Vụng Chùa ở vịnh Hạ Long.
Lập tức, trung tá Hiệu cùng các đồng đội lên tàu, nhằm thẳng hướng bà con đang gặp nạn. Sau gần một giờ vượt sóng, ra đến hòn Vụng Chùa, trung tá Hiệu bàng hoàng nhìn cảnh tượng những chiếc tàu cá bị bão quật chìm ngổn ngang, nhưng không hề thấy bóng dáng ngư dân gặp nạn nào.
"Dù chúng tôi đã chia ra tìm kiếm hầu khắp nơi, dùng loa gọi lạc cả giọng, nhưng không hề thấy người dân nào. Lúc ấy, chúng tôi đã bật khóc", trung tá Hiệu nhớ lại.
Và thế rồi, niềm vui đã vỡ òa đối với những người lính Hải đội 2 Biên phòng. Bởi đúng lúc đơn vị định cơ động đi hướng khác thì bỗng thấy một ngư dân đứng trên vách đá vẫy nón một cách yếu ớt. Vậy là, 11 người dân (2 nam, 9 nữ, đều là công dân TP Hạ Long) đang mắc kẹt nơi này đã được cứu thoát an toàn.
Chị Hồng, người dân ở phường Hùng Thắng, TP Hạ Long đã may mắn được Hải đội 2 Biên phòng cứu hôm ấy, kể: Đêm 7/9, do sóng to, gió lớn đã làm nhiều tàu, thuyền đang trú bão ở hòn Vụng Chùa bị lật úp. Chị Hồng cùng nhiều ngư dân nhảy bừa xuống biển trong đêm đen mịt mù, sóng biển chồm lên cao dữ dội để cố sức bơi đến hòn đảo nhỏ gần đó.
"May thay, cả 11 người đều an toàn cho đến khi được Bộ đội Biên phòng đến cứu. Lúc được cứu, tất cả đã gần lả đi vì đói, khát và rét…", chị Hồng chia sẻ.
Sát cánh cùng nhân dân khôi phục hậu quả
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh, làm 29 người chết, 4 người mất tích, 1.609 người bị thương. Toàn tỉnh có 102.859 căn nhà bị tốc mái, 254 nhà bị đổ sập, 5.008 nhà bị ngập, sạt lở, 27 tàu du lịch, 155 tàu vận tải bị chìm, đắm…
Bão số 3 cũng làm 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 116 tàu cá bị chìm; 7.622 ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng, 388.608 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi và 96.974 ha rừng trồng bị gãy đổ cùng hàng hàng loạt công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội khác bị hư hỏng nặng nề.
Ước tỉnh, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra ở Quảng Ninh khoảng 24.223 tỷ đồng.
Trước, trong và sau thời điểm bão số 3 đổ bộ, những cán bộ, chiến sỹ trong các đơn vị công an, quân đội đều sát cánh với người dân Quảng Ninh phòng chống, chống chọi với bão dữ và khôi phục sản xuất sau bão.
Ngay sau khi bão vừa ngớt gió, các đơn vị lực lượng vũ trang đã có mặt tại các địa bàn thiệt hại nặng nhất để huy động tối đa phương tiện, lực lượng cứu vớt những người dân trên tàu, thuyền, nhà bè bị chìm, đắm, trôi dạt.
Đồng thời, hỗ trợ nhân dân nhanh chóng giúp nhân dân thu dọn nhà bị sập, ngập, tốc mái, giúp địa phương thu dọn, khơi thông các tuyến giao thông…
Thống kê sơ bộ, các đơn vị công an, quân đội đã huy động huy động 70.660 lượt cán bộ, chiến sĩ, 1.580 lượt ô tô, 110 lượt máy xúc, 465 lượt tàu, xuồng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, dọn dẹp nhà cửa, tài sản, công trình hư hỏng do bão số 3 gây ra.
Các đơn vị đã phối hợp di dời 3.155 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ mất an toàn, tìm kiếm và cứu hộ thành công 111 người bị nạn trôi dạt trên biển.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, thượng tá Lê Quang Chiểu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trước khi bão số 3 đổ bộ, đơn vị đã triển khai 285 lượt phương tiện với 864 lượt cán bộ, chiến sỹ bám sát địa bàn, hỗ trợ nhân dân chằng, chống nhà cửa, lồng bè, phương tiện trên biển.
Khi bão đổ bộ, đơn vị đã cứu nạn thành công 14 ngư dân gặp nạn trên biển, phối hợp với cảnh sát biển tìm kiếm 43 thuyền viên bị nạn đưa vào bờ an toàn.
"Hiện, tỉnh đang triển khai chương trình hỗ trợ cho trên 102 ngàn hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở, vì thế, đơn vị luôn sẵn sàng phối hợp hỗ trợ bà con để sớm ổn định nơi ở", thượng tá Chiểu thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận