Bốn bị cáo trước vành móng ngựa |
15 năm tù là tổng cộng mức án mà TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt chiều nay (27/3) dành cho 4 bị cáo trong vụ tiêm nhầm vắc-xin khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viên Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Theo HĐXX, quá trình điều tra thụ lý vụ án cũng như lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa đã xác định được, khi tiến hành tiêm vắc-xin, Nguyễn Thị Thuận không thực hiện đúng theo quy trình dẫn đến việc lấy nhầm thuốc, hậu quả là 3 trẻ sơ sinh bị tử vong.
Các bị cáo Lê Huỳnh Sơn, Nguyễn Văn Thiện, Trần Thị Hải Vân là những người được giao chức trách khác nhau tại các khoa khác nhau của Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, nhưng không làm tròn đúng trách nhiệm của mình, nên khi bị cáo Thuận bất cẩn lấy nhầm thuốc Esmeron gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Vì vậy, HĐXX khẳng định cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Trị truy tố Nguyễn Thị Thuận tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Các bị cáo Lê Huỳnh Sơn, Nguyễn Văn Thiện, Trần Thị Hải Vân tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người, đúng tội.
Khi được nói lời cuối cùng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thuận bật khóc khi nói lời xin lỗi 3 gia đình bị hại |
Đối với Nguyễn Thị Thuận, hành vi nguy hiểm là không thực hiện đúng quy tắc ban bố của Bộ Y tế, đó là đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều dùng, đúng thời gian. Bị cáo Thuận đã không kiểm tra kỹ tên nhãn vắc-xin nên đã lấy nhầm Esmeron tiêm cho 3 trẻ gây các cháu tử vong. Hành vi của bị cáo Thuận đã trực tiếp gây ra cái chết của nhiều người.
Đối với Lê Huỳnh Sơn, là người được Bam giám đốc giao nhiệm vụ chính về quản lý sử dụng thuốc Esmeron, nhưng thiếu trách nhiệm trong quản lý thuốc, tự bỏ thuốc vào nơi không đúng quy định trong thời gian dài. Khi có kết luận sai phạm trong bảo quản thuốc thì không chấn chỉnh, hành vi của bị cáo Sơn đã trực tiếp tạo ra điều kiện sẵn để y tá Thuận không chú ý là có ngay dược liệu để gây ra cái chết của 3 trẻ sơ sinh.
Nguyễn Thị Thuận khóc ngất bên người thân khi HĐXX nghị án |
Đối với Nguyễn Văn Thiện, trong thời gian được ủy quyền với trách nhiệm cao nhất đã buông lỏng quản lý, không quan tâm nhắc nhở, kiểm tra cán bộ… Đặc biệt, ngày 18/7/2013 khi đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra nhắc nhở, bị cáo Thiện đã không có động thái chấn chỉnh đúng lúc những sai phạm trong công tác quản lý, bảo quản và sử dụng vắc-xin viêm gan B để kịp thời khắc phụ để chỉnh đốn cho nên chỉ 2 ngày sau sự việc bị cáo Thuận lấy nhầm thuốc đã xảy ra.
Trần Thị Hải Vân cho dù có kêu oan, cho rằng mình không phạm tội, nhưng Vân là người được Ban giám đốc Bệnh viện giao trách nhiệm quản lý tủ lạnh, bảo quản sinh phẩm viêm gan B, lẽ ra bị cáo phải thường xuyên kiểm tra giám sát để báo cáo chấn chỉnh, nhưng bị cáo lại không làm tròn trách nhiệm, để người khác tùy tiện bỏ chủng loại thuốc không đúng quy định trong thời gian dài mà không kiểm tra làm cho sự tồn tại vô lý của các lọ Esmeron trong tủ lạnh được quy định bảo quản thuốc và các sinh phẩm y tế khác, vô tình góp phần tạo thuận lợi cho hành vi của Thuận cho nên việc truy tố Vân là không oan và Vân phải bị trừng trị theo pháp luật hình sự.
Đối với các tình tiết giảm nhẹ, theo HĐXX, Nguyễn Thị Thuận sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã dùng các biện pháp làm giả hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm, tuy nhiên đây có thể coi là tâm lý tự nhiên của người có lỗi và sau đó Thuận đã hết sức thành khẩn khai báo, nên cũng cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải.
Tương tự, Sơn, Thiện cũng tỏ ra nhận thức được vi phạm của mình, nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Ngoài ra, bị cáo Thuận, Thiện, Sơn được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ vì có bố mẹ có Huân, Huy chương, gia đình Sơn thờ cúng liệt sĩ và bản thân cũng có thành tích trong quá trình công tác.
Đối với Trần Thị Hải Vân, cho dù có kêu oan nhưng cuối cùng cũng đã nhận thức được trách nhiệm của mình nên cũng được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định. Mặt khác, Vân là nhân viên làm việc trong môi trường khá tùy tiện, quản lý lỏng lẻo nên không ý thức hết trách nhiệm của mình. Vân có bố được tặng Huân chương và đang nuôi con nhỏ, mức độ trách nhiệm có thể được coi là thấp nhất trong vụ án, nên có thể xem xét cho được hưởng án treo.
Tổng mức án dành cho 4 bị cáo là 15 năm |
Căn cứ các chứng cứ, tài liệu được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. HĐXX tuyên đã phạt bị cáo Nguyễn Thị Thuận 5 năm tù. Bị cáo Lê Huỳnh Sơn lãnh mức án 4 năm tù, Nguyễn Văn Thiện 3 năm tù. Riêng Trần Thị Hải Vân lãnh mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận