31% người lao động không có việc làm
Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về kết quả khảo sát tình hình người lao động (NLĐ) và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn.
Theo Ban IV, kết quả khảo sát cho thấy, thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây.
Ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ NLĐ không có việc làm cao nhất là 53%
Cụ thể, trong tổng số 8.343 NLĐ tham gia khảo sát trên cả nước, có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm.
Tỷ lệ này đã giảm so với bối cảnh Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021), nhưng theo Ban IV, vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ NLĐ không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%.
Còn xét theo địa phương thì TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh, thành phố có tỷ lệ NLĐ không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.
Về nguyên nhân, có 32,4% NLĐ không có việc cho biết rằng họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh; 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng.
Phải trợ lực ngay cho doanh nghiệp
Ban IV đánh giá, xu hướng số lượng NLĐ bị mất việc tại các doanh nghiệp tăng lên diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023. Dự báo còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm khi kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp mới đây của Ban IV, chỉ ra “trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71,3% doanh nghiệp dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên”.
Bởi vậy, Ban IV cho rằng, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, gia tăng việc làm cho NLĐ, việc quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải trợ lực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, sẽ hỗ trợ gián tiếp cho NLĐ.
Các nhóm giải pháp Ban IV nêu lên như: Kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ đồng thời cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho doanh nghiệp vay trả lương cho NLĐ hoặc để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân người lao động,…
Ban này lưu ý: Không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Cách nào hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ?
Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ, Ban IV đề xuất 2 giải pháp.
Liên quan đến hỗ trợ nhà ở xã hội, Ban IV kiến nghị, nghiên cứu điều chỉnh tên chương trình/đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" thành “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở cho NLĐ thuộc diện thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Song song đó là giảm mạnh lãi suất cho vay áp dụng cho tất cả đối tượng NLĐ mua nhà ở trong chương trình.
Đề xuất thứ 2 là, cải thiện quy trình, hồ sơ, điều kiện cho vay mua nhà ở xã hội bằng cách đưa vai trò của doanh nghiệp vào.
Cụ thể, doanh nghiệp không chỉ xác nhận thu nhập mà còn có thể thay mặt người lao động trả khoản tiền gốc và lãi hàng tháng tương tự cách doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện nay.
Liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần, theo Ban IV, cần nghiên cứu cho sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.
Cho phép doanh nghiệp, NLĐ không phải thu, nộp kinh phí công đoàn cho cơ quan công đoàn cấp trên tới ít nhất là hết năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận