Sáng nay (25/3), trực tiếp kêu cứu lên Chủ tịch UBND Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương tại buổi tiếp công dân, ông Võ Đại Thanh - Đại diện tập thể 80 chủ xe, xã viên thuộc các công ty, HTX vận tải hành khách bằng xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng bày tỏ sự bức xúc trước vấn nạn xe trá trình ngày thêm bùng phát, biến tướng...
Nở rộ xe trá hình, đón khách tại cổng bến xe...
Đại diện đoàn xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng phản ánh với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về vấn nạn xe ké, xe trá hình
Theo ông Thanh, nạn xe trá hình tồn tại dai dẳng thời gian qua. Trước đây, tập thể xe buýt Huế - Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị, kêu cứu lên tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh (lúc đó là ông Phan Ngọc Thọ) chỉ đạo loạt giải pháp: kiểm soát qua hệ thống camera, Huế-S, lập tổ liên ngành... Tuy nhiên, "trên quyết liệt" dưới không chuyển động.
Sau thời gian "đánh trống bỏ dùi", tổ liên ngành ra quân rồi hoạt động cho có, cơ quan chức năng "báo cáo rất đẹp - nạn xe trá hình đã được kiềm chế", nhưng thực tế, hoạt động của các nhà xe này càng biến tướng, bùng phát.
Ông Thanh trình các bằng chứng sao chụp trên trạng mạng xã hội, facebook của nhóm hội xe ké, xe trá hình hoạt động công khai, cùng hơn 300 đầu xe có biển kiểm soát cụ thể. Trong đó, chủ yếu là các đầu xe đầu số Thừa Thiên - Huế (75).
"Các xe hoạt động chở khách trá hình tuyến Huế - Đà Nẵng này còn dán tờ rơi đưa đón khách tận nhà, khung giờ chạy từ gần 5h sáng- 12h đêm, 15 - 20 phút/chuyến, số điện thoại; trên các trang mạng xã hội facebook cũng đăng công khai tình trạng này... Nhưng theo báo cáo thì hầu như nạn xe ké, xe trá hình dẹp được rồi. Phải chăng Sở GTVT đang cấp phù hiệu, cho phép các xe này chạy như xe buýt chúng tôi”- ông Thanh bức xúc.
Đáng chú ý, theo đại diện đoàn xe buýt Huế- Đà Nẵng, ngay thời điểm phòng chống dịch Covid-19, toàn tuyến xe buýt phải ngưng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định, nhưng nhiều xe ké, xe trá hình vẫn hoạt động công khai.
Thậm chí, xe trá hình hoạt động trái pháp luật, nhưng hiện nay còn đón khách một cách ngang nhiên ngay tại cổng bến xe phía Nam TP Huế.
Đại diện đoàn xe buýt Huế - Đà Nẵng cho biết vấn nạn xe ké, xe trá hình vẫn bùng phát
Vấn nạn xe trá hình đẩy các đơn vị xe buýt "xuống bờ vực thẳm", nguy cơ phá sản cận kề. Theo ông Võ Phi Cường - Đại diện xe buýt Huế-Đà Nẵng, các nhà xe nỗ lực đổi mới phương tiện theo yêu cầu của tỉnh, đảm bảo xuất bến đúng quy định ở 2 đầu bến, đóng góp đầy đủ các nghĩa vụ thuế, phí... nhưng xe xuất bến không có nổi 1 khách.
"Mỗi loại hình vận tải được quy định rõ ràng về điều kiện hoạt động. Trong đó xe buýt có điểm đón trả khách ở 2 đầu bến, còn xe phù hợp hợp đồng, du lịch được đưa đón tận nhà, nhưng mỗi xe chỉ được thực hiện 1 hợp đồng. Đằng này họ liên tục gom khách lẻ, vi phạm rất rõ ràng. Nay các xe đều đã đổi biển số vàng, dễ nhận diện để TTKS, nhưng không hiểu sao không được xử lý triệt để", ông Cường nói.
Theo ông Thanh, tập thể xe buýt đã kiến nghị nhiều lần. Nếu tỉnh không xử lý được vấn nạn xe trá hình thì trả lời rõ vì sao, vì chúng tôi hay vì năng lực quản lý của các đơn vị chức năng, TTKS? Lần này nếu tỉnh không quyết liệt, chúng tôi xin được đình công và ra Trung ương để kêu cứu.
Liên ngành phải làm thường xuyên, dẹp cho được xe trá hình!
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh quan điểm phải xử lý nghiêm các vi phạm xe trá hình và cho biết tiếp tục duy trì các tổ liên ngành, xử lý thường xuyên, liên tục
Trả lời kiến nghị của tập thể xe buýt Huế-Đà Nẵng, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế thừa nhận, vấn nạn xe ké, xe trá hình đúng là rất nan giải, việc xử lý còn hạn chế. Lực lượng chức năng liên ngành CSGT Công an tỉnh, TTGT, Văn phòng Ban ATGT tỉnh đã vào cuộc, nhưng việc xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi đợt lực lượng liên ngành ra quân xử phạt trung bình khoảng 280 triệu...
Ngay tại buổi tiếp công dân, đại diện xe buýt Huế-Đà Nẵng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh có cơ chế giám sát tổ liên ngành, bởi "báo cáo đẹp nhưng không thực chất". Nhiều xe trá hình chạy trước mặt CSGT nhưng không bị xử lý dù đã được báo tin (?).
Chia sẻ với những khó khăn, áp lực của Đội xe buýt Huế-Đà Nẵng, Chủ tịch Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, kiến nghị của đội xe buýt là chính đáng. Việc xử lý xe trá hình không thể dai dẳng, thiếu hiệu quả như vừa qua.
Theo ông Phương, tỉnh đã rất tâm huyết khi lập đề án và xây dựng tuyến xe buýt Huế-Đà Nẵng thuộc diện nhất nhì cả nước. Mọi hoạt động phải thượng tôn pháp luật, tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng (Sở GTVT, Công an tỉnh) tái lập tổ liên ngành, nhưng triển khai thường xuyên, liên tục để đảm bảo hiệu quả, và phải xử lý cho được vấn nạn xe trá hình này, không để bức xúc kéo dài.
>>>> video: đại diện tập thể xe buýt Huế-Đà Nẵng kêu cứu tỉnh về nạn xe trá hình:
“Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an, TTGT và địa phương nắm danh sách, đưa các xe hoạt động trá hình này vào “tầm ngắm”, tập trung kiểm tra, xử lý thường xuyên, theo chuyên đề, theo quy trình... với mục tiêu xử lý triệt để. Dẹp bỏ vấn nạn xe dù, xe ké phải hạ quyết tâm, kiên trì, biến tướng đến đâu phải xử lý đến đó”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Song song với đó, xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng có những lợi thế thì cũng phải nâng những lợi thế đó lên theo hướng dịch vụ tốt hơn, thuận tiện hơn và Sở GTVT chủ trì, bàn bạc với các nhà xe trên cơ sở tạo điều kiện tối đa, đảm bảo theo quy định của pháp luật và lãnh đạo tỉnh cũng sẽ bàn phương án... Người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lưu ý, mình vừa đấu tranh chống nạn xe trá hình nhưng bản thân đoàn xe buýt có các giải pháp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh hơn nữa để thu hút hành khách. Như cần tính tới đội xe trung chuyển để hỗ trợ hành khách...
Theo lãnh đạo Sở GTVT, cùng với giải pháp trước mắt là lực lượng liên ngành ra quân xử lý vấn nạn xe ké, xe trá hình..., cần tuyên truyền mạnh để người dân hiểu rõ bản chất xe ké, xe trá hình. Phía xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng cũng phải chủ động tìm cách nâng cao chất lượng phục vụ lên hơn nữa để thu hút người dân bằng các phương thức kết, tiếp cận hiện đại như xe trung chuyển, bán vé qua mạng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận