Ghi nhận PV Báo Giao thông, trái ngược với gói thầu 1-2 đầu tuyến dự án đường phía Tây (ĐT.638, đoạn Km 130- Km 137+580) cơ bản hoàn thiện các hạng mục nền đường, công trình phụ trợ, tại gói thầu 3,4 còn nhiều vị trí ngổn ngang do vướng mắc GPMB, di dời hạ tầng điện.“
Dự án đường Tây tỉnh có chiều dài tuyến 7,67Km (Km 130-Km137+580), thiết kế vận tốc 80km/h; Bề rộng nền đường: Bn = 22,0m; Bề rộng mặt đường: Bm = 19,0m. Trên tuyến có hai cầu lớn Cầu Canh Vinh, Cầu Nhị Hà. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 613 tỷ đồng. Cơ cấu vốn gồm ngân sách Trung ương từ nguồn phát triển KT-XH các vùng trong giai đoạn 2016 - 2020 là 329,629 tỷ đồng. Phần vốn còn lại của ngân sách địa phương là 284,163 tỷ đồng.
Đáng kể, đoạn Km136+681,88 - Km137+580: Do vướng công tác GPMB nên nhà thầu đang thi công đào nền đường dở dang, chỉ thi công hệ thống cống thoát nước dọc bên phải tuyến, đắp nền đường tại những vị trí có thể triển khai...
Đại diện nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức cho hay: Vướng nhất là mặt bằng, di dời hạ tầng điện. Nhiều tháng nay, việc di dời cột điện (phạm vi đường cũ) ra các vị trí mở rộng mặt đường chưa thể triển khai, khiến công địa thi công không đảm bảo, "xôi đỗ".
Thống kê đến nay, tiến độ đoạn tuyến này mới chỉ đạt khoảng 60%. Theo nhà thầu Thuận Đức, mục tiêu cuối năm 2019 sẽ thông xe toàn tuyến dự án đường Tây tỉnh. Nhưng nếu tiếp tục vướng mắc mặt bằng, nguy cơ "vỡ trận" hoàn thiện ở những "đường găng" GPMB này.
Thực tế, suốt đoạn tuyến từ nút giao đường phía Tây với QL1 về phía Km 137 ngổn ngang trụ điện nằm ngay giữa lòng đường thi công. Trong khi đó, hệ thống trụ, cột điện mới chưa thể đấu nối điện để hoàn thành công tác di dời trụ điện.
Lãnh đạo Ban QLDA giao thông Bình Định (đại diện chủ đầu tư dự án) cho hay: Thời tiết bất lợi và vướng mắc mặt bằng đang là rào cản tiến độ dự án trong cao điểm cán đích này. Đặc biệt, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật điện còn chậm.
Hiện nay, nhà thầu đã thi công hoàn tất móng cột, lắp xà và kéo dây hệ thống điện. Còn phần kéo dây rải cáp ngầm 22kV từ TBA 110kV ra các vị trí cột đầu xuất tuyến 22kV tại Km137+060. "Trước đó, các bên cam kết đến ngày 13/11 sẽ triển khai cắt điện, hoàn thiện di dời hạ tầng điện, bàn giao mặt bằng cho dự án, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai, liên tục trễ hẹn GPMB", đại diện Ban QLDA giao thông Bình Định nói.
Tương tự, tại "điểm nghẽn thi công" nút giao QL19C (gói thầu số 3) hiện còn vướng gần 20 hộ dân, chưa bàn giao mặt bằng, chưa nhận tiền đền bù. Đáng kể, phạm vi thi công bên phải nút giao QL19C (phần mở rộng nút giao QL19C), UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 12 hộ dân bị ảnh hưởng (11 hộ có đất ở, 01 hộ có đất nông nghiệp). Ban GPMB đã tiến hành chi trả nhưng các hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù vì yêu cầu chờ giao đất tái định cư...
Trao đổi với PV, ông Lưu Văn Tân, Giám đốc Điện lực Phú Tài cho hay: Để cắt điện, nhà thầu thi công hạ tầng điện phải hoàn thiện hệ thống mới, có phương án rõ ràng và được Điện lực Bình Định phê duyệt. Do khu vực có nhiều khu công nghiệp nên việc cắt điện hết sức hạn chế, tháng chỉ được 1 lần. Việc chậm di dời hạ tầng điện do phía nhà thầu.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Phát (nhà thầu thi công hạ tầng điện) cho rằng: Đơn vị đã cơ bản hoàn thiện các trụ, kéo dây và chỉ chờ cắt điện để đấu nối. Công ty đã gửi kế hoạch xin cắt điện cả chục ngày nay và đang chờ ngành điện Bình Định phê duyệt. Phía điện lực yêu cầu "đấu điện sống" nhưng với thời tiết có mưa hiện nay dễ mất an toàn. Để hoàn thiện đấu nối không thể cắt điện 1 lần, ngành điện phải tạo điều kiện cắt 2-3 lần mới có thể giúp nhà thầu đấu nối.
"Nếu được cắt điện, chỉ cần 1-2 ngày đơn vị sẽ hoàn thiện di dời hạ tầng điện, bàn giao mặt bằng cho dự án", ông Hùng nói.Theo ông Hùng, thời gian qua, việc di dời hạ tầng điện chậm tiến độ do nguyên nhân thời tiết, và một số hộ dân cản trở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận