Tuyến quốc lộ N2 dài gần 100km từ Củ Chi, TP.HCM qua Đức Hòa (Long An) đến huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) trở thành tuyến trục dọc phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Từ khi tuyến đường được mở, cuộc sống của người dân thay đổi hoàn toàn.
Từ khi có quốc lộ N2, nhiều tài xế xe tải, xe khách, xe du lịch chọn tuyến đường này để đi, tránh kẹt xe trên QL1, giảm được thời gian
Phá thế cô lập, dân đổi đời
Chúng tôi có dịp đi dọc tuyến quốc lộ N2 từ Củ Chi về đến Tháp Mười những ngày đầu tháng 3. Vừa qua địa phận Long An, đã thấy những cánh đồng lúa mênh mông trĩu hạt. Những con kênh đào xuyên dọc, ngang thẳng tắp, xa ngút tầm nhìn...
Hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng kiên cố, khang trang, biệt thự hoành tráng đua nhau mọc lên thay cho những cánh rừng tràm u ám. Nhiều khu chợ, điểm dừng chân đầy đủ hàng hóa, nông sản phục vụ người dân, khách thập phương khi lưu thông ngang qua.
Đặc biệt, nhiều dự án, công trình nghìn tỷ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang được thi công san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng như khu nuôi yến gần 10ha ở xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, khu nhà xưởng may mặc xã Thạnh Lợi, Bến Lức…
Khoảng 20 năm trước, người dân Đồng Tháp Mười không hề nghĩ rằng có sự thay đổi như hôm nay. Bởi lúc đó bao quanh họ chỉ là những cánh rừng tràm, ruộng khóm, những vùng đất chua phèn không sản xuất gì được.
Thế nhưng, khi tuyến quốc lộ N2 được đầu tư mở mới xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười, cuộc sống người dân bắt đầu đổi thay.
Cùng với chính sách thau chua rửa phèn của ngành nông nghiệp, những rừng tràm, ruộng khóm đã được thay bằng các đồng lúa mênh mông.
Chị Cao Thị Kiều (ngụ tỉnh An Giang, công nhân ở Bình Dương) cho biết, những ngày lễ, Tết, hàng chục nghìn công nhân quê Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… chọn quốc lộ N2 để về thăm nhà, do gần hơn khoảng 50km so với đường cũ.
Anh Trương Thanh Hùng (ngụ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, tài xế xe tải) cũng chia sẻ, từ ngày có quốc lộ N2, các tài xế khu vực miền Tây chọn tuyến đường này chở hàng đi các tỉnh miền Đông, TP.HCM… vì tiện lợi và giảm được thời gian, tránh kẹt xe.
Lão nông Nguyễn Văn Tấn (65 tuổi, ngụ huyện Thạnh Hóa, Long An) cho biết, người dân các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Thủ Thừa, Bến Lức (Long An) và huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) giờ không còn lo ngại về phương tiện vận chuyển mỗi khi thu hoạch nông sản.
Phải "rút lù" mới chuyển được vật liệu đến công trường
Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (QLDA), là một trong những cán bộ của Ban đã bám dự án này từ những ngày đầu.
Hồi tưởng lại thời gian cùng các cán bộ, kỹ sư và nhà thầu đi khai phá mở tuyến đường mới N2 về Đồng Tháp Mười, ông Tuấn dâng trào cảm xúc khó tả.
Mỗi lần có dịp đi lại trên tuyến N2, lòng tôi dâng trào nhiều cảm xúc. Nhưng sau gần 20 năm, tuyến N2 giờ cũng đã bắt đầu quá tải, nhất là các dịp lễ, Tết. Cần sớm nâng cấp tuyến này thành 4 làn để đáp ứng nhu cầu lưu thông, trong tương lai nếu có điều kiện sẽ nâng cấp từng đoạn thành cao tốc.
Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận
Theo quy hoạch, vùng ĐBSCL có 3 tuyến đường bộ theo trục dọc là quốc lộ 1, cao tốc phía Đông và đường Hồ Chí Minh hướng phía Tây.
Năm 2003, Bộ GTVT đã bắt tay xây dựng đoạn đầu tiên của tuyến N2, đoạn từ Đức Hòa - Thạnh Hóa (Long An). Đến năm 2010 làm tiếp hai đoạn là Củ Chi - Đức Hòa và Thạnh Hóa - Mỹ An.
Ông Tuấn kể, khi đó khu vực này hầu như không có đường bộ, người dân đi lại bằng xuống ba lá.
Anh em ngành giao thông chủ yếu từ miền Bắc, miền Trung vào nên lúc đầu rất bỡ ngỡ. Đến mùa lũ là nước mênh mông, không một bóng người qua lại.
“Anh em cũng không biết đi xuồng, muốn đi đâu phải có người dân địa phương chở đi chứ không là lạc đường như chơi”, ông Tuấn nhớ lại.
Thời điểm đó nhà thầu thi công dùng biện pháp đào hố để lấy đất đắp nền đường. Có những hố đào lên rất to, sâu, nhưng chưa lấy hết đất thì đến mùa nước lũ lên, hố bị ngập không thể thi công được. Đến mãi sau này mới chuyển sang phương án bơm cát để làm nền, thi công được cả mùa nước nổi.
Khó khăn nhất là việc vận chuyển vật liệu vào công trường bởi không có đường đi. Kênh chằng chịt nhưng sà lan muốn vào đến công trường phải chờ con nước. Khổ nỗi, khi nước lên, sà lan chạy được thì lại vướng các cầu dân sinh, không lòn qua được.
“Hồi đó mới có khái niệm “rút lù” ra đời. Muốn lòn qua cầu dân sinh, chủ sà lan phải bơm nước vào để sà làn chìm xuống, lọt qua được các cầu. Khi qua cầu xong phải “rút lù” cho sà lan nổi lên để đi. Cứ như vậy, vận chuyển được một thanh dầm từ nơi sản xuất đến công trình không biết phải “rút lù” bao nhiêu lần.
Có những chỗ khi bơm nước vào, sà lan chìm xuống thì không qua được vì mắc cạn. Có khi sà lan phải nằm chờ mấy ngày. Nhà thầu phải làm việc với chính quyền địa phương và người dân xin tháo một nhịp dầm của cầu dân sinh ra, sà lan đi qua rồi lắp lại để bà con đi. Nói chung chuyện vận chuyển vật liệu đến công trường rất nan giải”, ông Tuấn kể.
Kỹ sư, công nhân dự án làm rể nơi dự án đi qua
Đường mới được mở ra, đời sống của người dân vùng Đồng Tháp Mười bắt đầu khởi sắc. Có những cán bộ, kỹ sư tham gia dự án đã bén duyên với vùng đất mới, lấy vợ và lập nghiệp ở vùng đất này.
Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa (Long An) cho biết, trước đây người dân các xã Tân Thành, Long Thuận… vận chuyển hàng hóa, đặc biệt lúa gạo chủ yếu bằng đường thủy. Khi quốc lộ N2 mở ra đã tạo thuận lợi cho vận chuyển đường bộ và đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở các xã vùng sâu của huyện.
Ông Sáu cũng cho biết, khi có đường, việc thu hút các nhà đầu tư về địa phương có nhiều khởi sắc. Hiện, có 2 khu công nghiệp lớn được các nhà đầu tư triển khai, trong đó, dự án Việt Phát với diện tích gần 300ha, đang tiến hành san lấp mặt bằng. Dự án Khu công nghệ Môi trường xanh tại xã Tân Long với tổng diện tích khoảng 1.760ha, nhà đầu tư đang thi công 2 cầu và đường dẫn vào dự án.
Ở địa bàn huyện Thạnh Hóa có 10km tuyến N2 đi qua. Bà Hồ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch UBND huyện cho biết đã có 17 doanh nghiệp xay xát lúa gạo hoạt động dọc theo quốc lộ này. Bên cạnh đó, còn thu hút gần 20 trang trại chăn nuôi gà theo hướng công nghệ cao, diện tích nhỏ nhất cũng 10ha, nuôi hàng chục nghìn con gà.
“Huyện đã quy hoạch cụm, tuyến công nghiệp vừa và nhỏ dọc tuyến quốc lộ để kêu gọi đầu tư với diện tích trên 322ha. Đặc biệt, tại xã Thạnh An đã hình thành nhà máy năng lượng mặt trời hơn 1.000 tỷ đồng, công suất trên 40MWp, trên diện tích 50ha”, bà Lan cho biết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, quốc lộ N2 hoàn thành đoạn Đức Hòa - Thạnh Hóa đã phần nào vực dậy nền kinh tế nông nghiệp ở khu vực.
Đồng thời, kết nối khu vực này với vùng kinh tế Đông Nam bộ, nhất là TP.HCM. Tỉnh cũng đang khẩn trương xây dựng các tuyến đường kết nối với quốc lộ N2 như: Tuyến Thủ Thừa - Bình Thành, Thủ Thừa - Long Thạnh, quốc lộ N2 – quốc lộ N1 (dọc biên giới), đường tỉnh 823D vừa được khởi công…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận