Xã hội

"Xâu xé" sông Lại Giang: Múc cát quá độ sâu, lực lượng giám sát ở đâu?

25/11/2020, 06:21
image

Núp bóng dự án, nhiều doanh nghiệp ồ ạt nạo vét vượt độ sâu cho phép, lấy cát gây biến dạng lòng sông Lại Giang (Hoài Nhơn, Bình Định)...

img
Được hợp thức hóa bằng dự án nạo vét, nhiều doanh nghiệp ồ ạt đào cao, khoét sâu gây biến dạng lòng Lại Giang. (Trong ảnh vị trí nạo vét vượt mức quy định cao hơn đầu người, và sâu hoắm phía sau - ảnh chụp ngày 24/11)

Ồ ạt múc cát vượt quy định, biến dạng lòng sông

Theo Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường số 4138/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định, Công ty TNHH XD Thành Hương (đại diện chủ đầu tư dự án - UBND TX. Hoài Nhơn, sau đó có thêm 8 nhà thầu khác được thị xã Hoài Nhơn chỉ định vào nạo vét - PV) phải nạo vét sông Lại Giang (đoạn cầu Bồng Sơn cũ đến cầu Bồng Sơn mới) theo lớp bằng, chiều sâu nạo vét trung bình dương (+) 1,3m… Tương đương với việc đơn vị thi công chỉ được nạo vét các ụ nổi, cao hơn mặt nước tự nhiên khoảng 1,3m; và vận chuyển đất cát nguyên sinh này cho riêng dự án Khu hành chính, dân cư đường Bạch Đằng (cách đó một con đường), không được đưa ra ngoài…

Báo Giao thông vừa khởi đăng loạt bài "Núp bóng nạo vét, trắng trợn "rút ruột" cát sông Lại Giang; phản ánh việc lợi dụng dự án nạo vét, nhiều doanh nghiệp vô tư khai thác đất, cát như một "điểm mỏ", vi phạm quy định đánh giá tác động môi trường, chở quá tải, ô nhiễm môi trường, tuồn cát ra bên ngoài tập kết...

Tuy nhiên, trực tiếp ghi nhận “công trường” nạo vét những ngày trung tuần tháng 11, cảnh tượng trước mắt PV hoàn toàn trái ngược với quy định ranh giới, độ sâu nạo vét, vận chuyển và mục đích của dự án được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt: cải tạo cảnh quan, thông thoáng dòng chảy lòng sông trong mùa mưa lũ…

Thay vì chỉ được nạo vét ụ nổi, trên mặt nước 1,3m, bằng mắt thường dễ nhận thấy, các mũi thi công dùng loại xe đào múc lớn, đưa cần cẩu ngoạm sâu xuống lòng sông đến vài ba mét. Nước sông đục ngàu, từng thớ cát mịn cứ thế được chất đầy thùng xe tải mang logo Nam Tiến, Thành Hương… của những nhà thầu đang nối đuôi nhau ra vào.

Cứ thế, cả đoạn sông Lại Giang như biến dạng, xuất hiện những hố, kênh rạch lớn, đầy nước sâu hoắm. Tại nhiều vị trí nạo vét, PV trực tiếp dùng thước đo từ đỉnh ụ nổi xuống mặt nước có chiều cao đến 4m, và từ mặt nước xuống đáy nạo vét chừng 3-5m, vi phạm nghiêm trọng quy định chiều sâu được phép.

Thậm chí, nhiều đoạn khoét sâu ngay gần chân bờ kè khiến người dân không khỏi lo ngại tình trạng sạt lở đường, bờ kè 2 bên bờ sông vừa được xây dựng.

img
Nạo vét bề mặt hay "đào kênh" dưới sông Lại Giang? (Ảnh chụp chiều 17/11)
img
Việc vi phạm độ sâu, phương pháp nạo vét sông Lại Giang được UBND tỉnh Bình Định rất rõ ràng và diễn ra công nhiên, thời gian dài qua, nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại. Và cái kết biến dạng lòng sông. (Ảnh chụp 24/11)

Đáng nói, căn cứ theo quy định phê duyệt, dự án có chiều dài hơn 1km, tổng diện tích 17,7 ha và độ sâu nạo vét trung bình +1,3m sẽ có tổng khối lượng nạo vét gần 275.000m3 đất cát nguyên sinh… Tuy nhiên, với việc đào cao, khoét sâu vượt mức cho phép, lượng đất, cát nguyên sinh đặc biệt cát xây dựng rất lớn, lòng sông Trường Giang bị “rút ruột”, thất thoát tài nguyên...

Thực tế, hàng loạt xe tải trọng lớn, chở đầy thùng cát “có ngọn” từ lòng sông Lại Giang thay vì phục vụ dự án san lấp khu hành chính, dân cư Bạch Đằng đã bẻ lái về các bãi tạp kết ở P.Hoài Tân, Tam Quan… cách công trường nạo vét chừng 15-20km (?!). Dễ quan sát đây đều là loại cát xây dựng, giá trị thị trường lên đến 180.000 đồng/m3, các đơn vị thi công dễ dàng lách thuế phí tài nguyên cát xây dựng vào đất cát san lấp?

Tổ giám sát ở đâu?

Nhan nhản vi phạm diễn ra công nhiên, ngay trước trụ sở thị ủy, UBND thị xã, cơ quan chức năng… nhưng suốt những ngày PV thực tế hiện trường đều không thấy sự TTKS của cơ quan chức năng, kiểm tra, giám sát của Tổ giám sát liên ngành Hoài Nhơn về dự án này.

Theo quyết định của UBND TX. Hoài Nhơn, tổ giám sát có đến 19 thành viên, do ông Nguyễn Xuân Thao - Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn làm tổ trưởng. Nhưng thông tin với PV, phía Phòng Kinh tế Hoài Nhơn cho biết vị này “bận đi học”.

Video: Vô tư nạo vét vượt độ sâu quy định, để tận thu cát sông Lại Giang

Ngày 24/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn thừa nhận: Có tình trạng nạo vét sâu hơn mức cho phép. Nguyên nhân là do địa phương quản lý không chặt, tổ giám sát chưa làm tròn trách nhiệm.

“Bây giờ, thị xã chỉ cho múc những ụ nổi lên chứ không cho nạo dưới khu vực có nước nữa. Những khu vực gò nổi cách bờ kè 50m chỉ cho cào ra, tạo sự bằng phẳng cho lòng sông chứ không cho hốt cát lên nữa”, ông Công nói.

Theo ông Công, trước mắt UBND thị xã kiểm điểm nghiêm túc BQL dự án và phát triển quỹ đất thị xã, Tổ giám sát dự án nạo vét sông Lại Giang, Công an thị xã, phòng TNMT vì đã để xảy ra một số sai phạm trong quá trình thi công dự án như để phương tiện chở đất, cát ra khỏi khu vực quy định, khai thác hơn độ sâu cho phép…

img
Thay vì chỉnh trang, khơi thông dòng chảy, lòng sông Lại Giang biến dạng, tạo thành kênh, hố nham nhở
img
Còn tài nguyên bị chảy máu, cát sông bị tuồn ra ngoài tập kết, thất thoát lượng lớn khoáng sản, thuế phí môi trường. (Trong ảnh xe tải chở cát sông Lại Giang trên QL1 về tập kết ở Tam Quan)

Yêu cầu Phòng Kinh tế tham mưu UBND TX kiện toàn lại tổ giám sát, phân công chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân, không để xảy ra tình trạng quản lý lỏng lẻo như thời gian qua. Tiến hành cắm mốc ngoài hiện trường, không để xảy ra tình trạng nạo vét ngoài phạm vi quy định. Theo dõi hoạt động nạo vét đúng quy định.

Đồng thời, thị xã yêu cầu các đơn vị chức năng khắc phục những vi phạm và đẩy nhanh việc nạo vét sông Lại Giang theo chủ trương để kịp tích nước tạo cảnh quan cũng như sử dụng vật liệu triển khai dự án khu hành chính, dân cư Bạch Đằng.

(Còn nữa...)

Cần tính đến cả khởi tố vụ án hình sự

Theo ông Nguyễn Chí Công, địa phương yêu cầu Công an TX.Hoài Nhơn kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp chở cát ra ngoài. Tịch thu tang vật và phạt tiền theo quy định. Công an TX phải điều tra, xử lý trước ngày 24/11. Tính toán cụ thể khối lượng đất, cát để tính tiền cấp quyền, tiền thuế theo quy định. Không nạo vét ở những vùng trũng dưới lòng sông, chỉ nạo vét những khu vực cao, cản trở dòng chảy sông Lại Giang.

Trao đổi với PV, Luật sư Lê Cao, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đà Nẵng), theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi khai thác khoáng sản vượt độ sâu cho phép sẽ phạt tiền đến 100 triệu đồng; có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Cá nhân phạm tội có thể bị phạt tù đến 7 năm, bị phạt tiền đến 500 triệu đồng. Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến đến 7 tỷ đồng

Theo Luật sư Lê Cao, người có thẩm quyền trong các cơ quan Nhà nước mà có hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu hoặc để xảy ra thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tuỳ theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm có thể bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 222 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.