Bộ KH&ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Thời gian thực hiện dự án là 37 tháng, tính từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Thời gian gấp, ACV vẫn cam kết triển khai đúng tiến độ
Trong báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hồ sơ dự án của TCT Cảng hàng không VN - CTCP (ACV) đã đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 do ACV làm chủ đầu tư”, báo cáo do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ký đề xuất.
Theo đó, sau 12 tháng thực hiện chuẩn bị đầu tư, ACV sẽ triển khai bước đầu tư xây dựng và hoàn tất sau 24 tháng. Một tháng tiếp theo sẽ dành cho công tác xin cấp phép hoạt động (tổng cộng 37 tháng).
Bộ KH&ĐT cũng bày tỏ e ngại về tiến độ quá sức gấp rút này do dự án phải thực hiện các công việc như: Thi tuyển kiến trúc; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; thiết kế kỹ thuật tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng...
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc ACV Đỗ Tất Bình khẳng định, nếu được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, ACV sẽ nỗ lực tối đa và cam kết triển khai dự án theo đúng tiến độ.
Trong khi đó, dẫn chứng năng lực qua hàng loạt công trình quan trọng được đầu tư xây dựng trong suốt thời gian qua như: Nhà ga hành khách T2 Nội Bài, Tân Sơn Nhất; CHK quốc tế Cần Thơ; Phú Quốc; Nhà ga hành khách CHK quốc tế Vinh; CHK Thọ Xuân; Cải tạo, nâng cấp CHK Pleiku; Nhà ga hành khách Cát Bi…, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh khẳng định, ACV sẽ đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện dự án này.
Theo ông Thanh, ACV đã lên kế hoạch, tiến độ triển khai khá chi tiết theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, dự án phải trải qua các bước lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở; lập, trình thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán; xin giấy phép xây dựng; đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công; thực hiện thi công công trình trước khi hoàn thiện và cấp phép đưa vào khai thác.
Việc thực hiện các bước lập, trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ dự án, tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn, nhà thầu thi công phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật.
Riêng thời gian thi công, với năng lực, kinh nghiệm hàng đầu của ACV trong quản lý dự án, ông Thanh cam kết chỉ thực hiện trong 24 tháng.
“Lý do chưa thể nói rõ thời điểm hoàn thành, đưa công trình vào khai thác vì phụ thuộc vào thời điểm chủ trương đầu tư được phê duyệt”, ông Thanh nói.
Nhất trí dùng vốn ACV
Về khả năng huy động vốn của ACV, Bộ KH&ĐT cho hay, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 được kiểm toán của ACV tại thời điểm ngày 31/12/2018 cho thấy, ACV có nguồn vốn chủ sở hữu là 30.749 tỷ đồng, nợ phải trả 22.775 tỷ đồng (gồm: Nợ dài hạn 15.154 tỷ đồng; Nợ ngắn hạn 7.621 tỷ đồng), tài sản dài hạn 22.260 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm ngày 31/12/2018, ACV có khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư dự án tối đa khoảng 23.643 tỷ đồng, bảo đảm khả năng huy động vốn để đầu tư dự án.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Từ tháng 11/2019, Bộ này đã đề xuất Chính phủ giao ACV đầu tư dự án.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản yêu cầu Bộ KH&ĐT cần có ý kết luận rõ dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời làm rõ nguồn vốn đầu tư dự án, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Theo đề xuất mới nhất của Bộ KH&ĐT, nhà ga hành khách T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV.
Trước đó, cả Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đều thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao ACV làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn của DN. ACV cũng không đề nghị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đề đầu tư. Toàn bộ 10.990 tỷ đồng đầu tư dự án đều là nguồn vốn hợp pháp của ACV.
Theo ACV, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được lập dựa trên cơ sở tham khảo suất đầu tư của các dự án tương tự về mức độ đầu tư về kỹ thuật.
Doanh nghiệp này cũng cho biết, chi phí thiết bị theo m2 sàn ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chỉ có thiết kế sơ bộ, nên chưa đủ điều kiện để lập báo giá và tính toán chi tiết chi phí đầu tư cho hệ thống thiết bị nhà ga. ACV sẽ xác định chi tiết trong bước lập nghiên cứu khả thi.
Đánh giá về con số gần 10.990 tỷ đồng tổng mức đầu tư trên, Bộ KH&ĐT cho rằng: “Trong giai đoạn lập chủ trương đầu tư, phương pháp tính toán và dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư ACV đưa ra có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ở bước lập báo cáo khả thi tiếp theo, ACV cần tiếp tục rà soát quy mô, khối lượng các hạng mục bảo đảm đúng định mức kinh tế kỹ thuật”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận