Đường sắt

4.300 tỷ đồng bảo trì hạ tầng đường sắt năm 2025

03/01/2025, 16:54

Bộ GTVT giao 4.300 tỷ đồng dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2025 để xây dựng định mức bảo trì và thực hiện bảo trì hạ tầng đường sắt.

Bộ GTVT vừa quyết định giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2025, nguồn chi hoạt động kinh tế đường sắt cho Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN.

Theo đó, tổng số chi hoạt động kinh tế đường sắt được giao là 4.300 tỷ đồng. Trong đó, Bộ GTVT phân bổ và giao Cục Đường sắt VN hơn 3,5 tỷ để thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng định mức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia", gồm: Điều chỉnh, bổ sung Định mức bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; Xây dựng định mức bảo trì cầu Long Biên, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng; Xây dựng định mức bảo trì cầu Thăng Long, tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển.

Tổng công ty Đường sắt VN được giao hơn 4.296 tỉ để thực hiện nhiệm vụ "Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt" và "Sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại các đường ngang có người gác năm 2025".

4.300 tỷ đồng bảo trì hạ tầng đường sắt năm 2025- Ảnh 1.

Bộ GTVT giao dự toán vốn bảo trì hạ tầng đường sắt năm 2025 là 4.300 tỉ đồng (Ảnh minh hoạ: Tạ Hải).

Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN chịu trách nhiệm toàn diện về: số liệu đề xuất và hồ sơ dự toán đề nghị phân bổ; tính chính xác về nội dung, đối tượng, số kinh phí đề nghị giao dự toán; thu thập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ tài liệu liên quan; tổ chức thực hiện theo Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2025, Kế hoạch sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại các đường ngang có người gác năm 2025 được phê duyệt, dự toán được giao đảm bảo đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức và tiết kiệm, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, việc giao Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện vốn bảo trì hạ tầng năm 2025 được thực hiện theo các văn bản, quy định pháp luật hiện hành, trong đó có Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý được Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt tại Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 5/8/2024.

Tại Quyết định 797 quy định, giai đoạn đến hết năm 2030, giao Tổng công ty Đường sắt VN (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về cơ chế thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý khi giao cho Tổng công ty Đường sắt VN quản lý, sử dụng và khai thác, Quyết định 797 quy định: Bộ GTVT tổ chức đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với Tổng công ty Đường sắt VN; Tổng công ty Đường sắt VN tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc thực hiện quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, từ năm 2021 - 2024, vốn bảo trì hạ tầng đường sắt được thực hiện theo cơ chế: Bộ GTVT giao Cục Đường sắt VN đặt hàng toàn bộ với Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Đường sắt thu “trái ngọt” hậu sáp nhậpĐường sắt thu “trái ngọt” hậu sáp nhập

Sau khi tiến hành tái cơ cấu, sáp nhập các đơn vị, Tổng công ty Đường sắt VN đã gặt hái những kết quả bước đầu với bộ máy tinh gọn, doanh thu tăng trưởng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.