Áp lực, vất vả, nhưng thu nhập cao hơn
Chia sẻ với PV Báo Giao thông trước chuyến tàu khách Thống nhất vào phía Nam một chiều cuối năm, ông Nguyễn Thành Trung, công nhân lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết: "Tổ lái tàu lên ban hôm nay kéo tàu vào đến tận Đà Nẵng, rất áp lực khi đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt dày đặc".
Cách đây hai năm, khi còn công tác tại Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên, tổ tàu chỉ phải đi ngắn đường. Kể từ tháng 1/2023, Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên sáp nhập vào Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, các tổ tàu được bố trí, phân công nhiệm vụ đi tất cả các tuyến, gồm cả tàu đường dài.
"Tôi đã gắn bó với Đầu máy Yên Viên hơn 27 năm, khi sáp nhập nhiều anh em lái tàu khác rất băn khoăn. Trước chúng tôi chủ yếu đi tàu khu đoạn, khoảng 100 - 150km.
Nhưng về đây, kéo tàu đến tận Đà Nẵng, vất vả hơn. Bù lại, thu nhập cải thiện hơn, trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng nên anh em yên tâm công tác", ông Trung tâm sự.
Ông Trương Quang Toàn, Phó trưởng phòng Quản lý phương tiện Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết, ông chính thức "xuống chức" kể từ ngày 1/11/2024 - ngày công ty đi vào hoạt động sau khi hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn. Trước đó, ông giữ chức Trưởng phòng Quản lý phương tiện, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội.
Việc sắp xếp, phân công lại nhiệm vụ này không chỉ đối với mình ông mà với nhiều cán bộ lãnh đạo khác ở cả hai công ty.
Trước đây, khi còn tách bạch hai doanh nghiệp thì khi cần toa xe sẽ phải thuê của nhau, thủ tục sẽ phức tạp hơn. Nay cần toa xe xếp hàng ở đâu là có thể huy động dễ dàng, không còn phân biệt toa xe của đơn vị nào.
"Bản thân tôi cũng học hỏi được trong công việc từ các đồng nghiệp và cách chỉ đạo, điều hành từ các lãnh đạo đến từ Công ty vận tải Sài Gòn trước đây", ông Toàn chia sẻ.
Nhiều lợi ích, hết tâm tư
Trao đổi với Báo Giao thông về hiệu quả sau hai năm sáp nhập, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội chia sẻ, thời gian trước khi sáp nhập, nhiều người cũng rất tâm tư.
Khi sáp nhập hai xí nghiệp đầu máy Yên Viên và Hà Nội, đương nhiên một số phòng, bộ phận cùng chức năng, nhiệm vụ sẽ chỉ còn một, dẫn đến dư cán bộ cấp phó phòng. Đồng thời, sau sáp nhập, tổng số cán bộ công nhân viên lên đến 1.030 người.
Để đảm bảo bố trí đủ việc làm, thu nhập ổn định cho từng ấy lao động, trước đó hai đơn vị đã lập phương án, chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là phải làm tốt công tác tư tưởng. Trước khi sáp nhập một năm, cả hai đơn vị không bổ nhiệm cán bộ; lãnh đạo cấp trưởng mà nghỉ thì giao cấp phó phụ trách.
Sau sáp nhập là rà soát, điều chỉnh quy chế, cơ chế, chính sách phù hợp với lao động ở tất cả các bộ phận, từ sửa chữa đến lái tàu. Quá trình thực hiện, kịp thời điều chỉnh, giải quyết ngay những vướng mắc, bất cập nảy sinh.
Chỉ sau 6 tháng, hoạt động xí nghiệp sau sáp nhập đã đi vào ổn định, nhất là tư tưởng người lao động, không còn phân biệt "Yên Viên" hay "Hà Nội".
Với Công ty CP Vận tải đường sắt, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, dù mới đi vào hoạt động nhưng có thể thấy rõ những lợi ích mang lại: Giảm đầu mối trung gian, tập trung được nguồn lực về cơ sở vật chất, phương tiện máy móc.
Cụ thể, giảm được 5 phòng, 3 chi nhánh, một xí nghiệp toa xe. Người lao động kế hoạch 4.744 người, so với phương án sáp nhập trình tại thời điểm năm 2022 tiết kiệm được 619 người (giảm 11,52%), so với thời điểm trước sáp nhập tiết kiệm được 133 người (giảm 2,73%).
"Phấn khởi nhất là sau hợp nhất, các hoạt động sản xuất kinh doanh rất tốt. Dự kiến doanh thu tăng trưởng khoảng 18% so với cùng kỳ 2023", ông Hoan nói.
Bước đầu thành công
Nhìn lại hành trình tái cơ cấu, sáp nhập các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Đường sắt VN hai năm qua, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN cho hay, việc này đã bước đầu thành công.
Ông Mạnh cho biết, trước khi đề xuất, trình cấp thẩm quyền phương án sắp xếp các đơn vị trực thuộc, tổng công ty đã nhận thấy rõ các bất cập, chồng chéo.
Rõ nhất là với hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn. Về mô hình, mỗi công ty nhiều đầu mối có chức năng giống nhau. Như tại một khu ga, mỗi công ty lại phải bố trí một tổ làm công tác vận tải khách, một tổ làm công tác vận tải hàng và đặt chi nhánh tại các khu vực trọng điểm.
Đơn vị đã kiến nghị cấp thẩm quyền phương án sắp xếp, tái cơ cấu trước đối với 3 khối quản lý dự án, đầu máy, vận tải.
Ba ban QLDA được sáp nhập thành một, đi vào hoạt động từ ngày 1/12/2022. Năm chi nhánh xí nghiệp đầu máy sáp nhập, cơ cấu thành 3 chi nhánh, hoạt động từ ngày 1/1/2023. Hai công ty cổ phần vận tải hợp nhất thành Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt, hoạt động từ ngày 1/11/2024.
Sau tái cơ cấu các đơn vị này, đã tinh giản được bộ máy; lực lượng lao động sắp xếp lại hợp lý hơn, giảm được lao động gián tiếp, tiết giảm chi phí. Như khối đầu máy, tính sơ bộ một năm tiết giảm được 134 tỷ đồng so với trước.
Từ năm 2022, sau nhiều năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, vận tải đường sắt bắt đầu có lãi.
Sau sáp nhập, Ban Quản lý dự án đường sắt đã giảm được 6 phòng, chi phí tiết kiệm: Giảm 15% tổng chi phí quản lý/tổng nguồn thu; thu nhập bình quân 11 tháng đầu của năm 2024 đạt 25,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 214,81% so với trước thời điểm sáp nhập.
Với 3 chi nhánh xí nghiệp đầu máy, giảm được 12 phòng, 1 trạm đầu máy, 2 đội lái máy. Chi phí tiết kiệm được năm 2023 gồm: Giảm 134 tỷ đồng, kế hoạch 2024 giảm 30 tỷ đồng. Thu nhập bình quân so với thời điểm trước khi sáp nhập gồm: Lao động gián tiếp: gần 9,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 13,65%), lao động trực tiếp: hơn 10,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 23,51%).
Với Công ty CP Vận tải đường sắt, lương bình quân người lao động hơn 10,8 triệu đồng/tháng, tăng 29,14%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận