Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh thanh thản về cõi vĩnh hằng. Trước lúc ra đi, Người đã để lại hậu thế một bức tâm thư thường được gọi là Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc được BCH Trung ương Đảng khóa VI đánh giá là “vô cùng quý báu, trở thành nguồn cổ vũ đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Cả cuộc đời dâng hiến
Tháng 5/1965, Bác Hồ viết một bức thư để lại cho hậu thế (sau này được gọi là Di chúc). Kể từ đó, hàng năm, cứ đến tháng 5, Bác xem lại, sửa chữa, bổ sung.
Bản di chúc năm 1965 gồm ba trang do chính bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đảng. Năm 1968, bác viết bổ sung thêm một đoạn gồm 6 trang viết tay.
Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay.
Đúng ngày Quốc khánh 2/9/1969, Bác thanh thản về cõi vĩnh hằng.
Đề cập việc riêng, Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Việc riêng? Đúng là Bác viết về bản thân mình, nhưng ý nghĩa là không riêng. Hơn 60 năm hoạt động , Bác không có điều gì phải hối hận, nhưng tiếc thì có. Không phải tiếc vì chưa có vật chất đủ đầy cao sang… mà tiếc là không còn sống lâu nữa để phục vụ nước nhà.
Bác sống cuộc sống thanh đạm, không ham muốn công danh phú quý. “Nhà sàn Bác Hồ” là nhà công vụ; “Ao cá Bác Hồ” là của công đấy chứ?! Tiền bạc, của cải khi ra đi là con số 0 tròn trĩnh. Nhưng, tiếc là tiếc không còn quỹ thời gian cống hiến cho đất nước. Đó là sự tiếc nuối của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, sự tiếc nuối của người “Anh hùng dân tộc vĩ đại”, “Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Bác không hối hận khi “phải từ biệt thế giới này” vì cả cuộc đời Bác hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng.
Bác không hối hận vì Bác tự nguyện đặt cả cuộc đời mình vào cuộc sống của nhân dân. Chỉ một tháng rưỡi nữa thôi là mãi mãi đi xa, khi trả lời phỏng vấn nữ phóng viên báo Granma (của Cuba), Bác nói: “Tôi hiến dâng cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Bác hòa nhịp đập với trái tim của những người cần lao đang khát vọng giải phóng vươn lên làm chủ cuộc đời mình, đúng như Bác ghi “Điều mong muốn cuối cùng” trong bản Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Cũng giống như khi trả lời các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946, Bác nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Bác còn nói rằng, mỗi khi phải ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội, Bác luôn luôn nghĩ đến đồng bào, nghĩ đến độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân; rằng, mỗi khi thanh thiếu niên hy sinh là Bác như đứt từng khúc ruột: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”...
Bác hai lần bị vào tù (một lần tù của thực dân Anh năm 1931-1932, một lần tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch năm 1942-1943), một lần bị án tử hình vắng mặt tại Tòa án Nam triều năm 1929 tại Vinh (Nghệ An); một con người hoạt động gian khổ, sống cuộc sống thiếu thốn về vật chất, luôn luôn bị mật thám đế quốc theo dõi, lại còn bị một số đồng chí quốc tế và trong nước hiểu nhầm, đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của cái thiện, của lẽ phải, của chính nghĩa vì luôn luôn mưu việc lớn với mục tiêu cuối cùng là góp phần giải phóng con người cần lao.
Chức to, quyền trọng, theo quan niệm của Bác, cũng tức là tinh thần làm đầy tớ, làm công bộc, làm trâu ngựa cho nhân dân. Bác đã sống với cả một cuộc đời như thế và đúng là Bác không có gì phải hối hận khi từ biệt thế giới này.
Cần lắm một tinh thần tiếp nối
Là lãnh tụ của một Đảng, trong đó có 24 năm là Đảng cầm quyền và là Chủ tịch nước 24 năm, Bác coi các tổ chức trong hệ thống chính trị sinh ra là để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. 50 năm qua, đất nước ta đã tiến những bước dài trong sự phục hưng. Nhưng vẫn còn đó những hạn chế, khuyết điểm.
Đó là những khó khăn khách quan, đặc biệt là từ tác động tiêu cực của nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, và cũng cần nhắc lại khó khăn nữa, đó là tác hại vô cùng lâu dài và khắc nghiệt của chiến tranh. Tự hào về sự tăng trưởng của GDP và các thành tựu khác là chính đáng, nhưng thật xót và thật đau khi môi trường tự nhiên và môi trường xã hội bị ô nhiễm, khi người dân đang phải ôm biết bao nỗi bức xúc do sự yếu kém, hư hỏng của không ít “ông quan cách mạng”.
Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sa vào quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, chạy chức chạy quyền, độc đoán, vi phạm kỷ luật... Trong số đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao vì thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, không thực hành “cần kiệm liêm chính” mà phạm tội dẫn đến bị khai trừ khỏi Đảng, truy tố trước pháp luật.
Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của những “con sâu mọt” ấy đã làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, làm suy yếu tổ chức và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII đến nay (tháng 1/2016), trên 70 cán bộ, đảng viên cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Những tiêu cực đã, đang và sẽ được Đảng và Nhà nước ta kiên quyết xử lý theo đúng kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm củng cố và phát triển niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Những hành động của những kẻ hủ bại đang làm hoen ố bản Di chúc của Bác sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.
Chưa bao giờ sự phát triển của Việt Nam lại bị thử thách lớn như giai đoạn hiện nay. Cũng chưa bao giờ tâm lý của con người Việt Nam lại bị kích cứa bởi cái ý chí phát triển nhanh, bền vững để sánh vai với các cường quốc năm châu như giai đoạn hiện nay. Cái cường khí xung năng cần lắm cho Việt Nam sau gần 50 năm đó. Nhìn lại 50 thực hiện Di chúc của Bác là nhìn ở cái thế phát triển bền vững, để xem lại chính bản thân mình, quy chiếu với những lời của Bác để tiếp tục hành động – hành động cho sự cường thịnh của nước nhà, cho hạnh phúc của con dân đất Việt.
Hành động như thế cũng có thể coi như là một sự khỏa lấp phần nào sự tiếc nuối của Bác đã ghi trong Di chúc.
(*) Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận