Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO của TP.HCM.
Trong đó, xe gắn máy là phương tiện phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất với 90% lượng CO, 65,4% NMVOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa metan), 37,7% bụi và 29% NOx (khí thải hình thành từ quá trình đốt khí Nitơ).
TS Nguyễn Thị Yến Liên, Khoa Môi trường và An toàn giao thông, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: Giao thông vận tải đang là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ phát thải khí nhà kính từ giao thông vận tải thì tốc độ tăng trưởng trung bình năm dự kiến giai đoạn 2014-2030 có thể lên đến 6-7%/năm.
Một chuyên gia về quản lý môi trường cho biết, đối với xe cũ, khi đốt cháy nhiên liệu là xăng dầu, sẽ không cháy hết mà xả thải vào không khí ngoài chất độc của các khí thông thường còn là muội than rất độc hại.
Đặc biệt là ở những khu vực đèn xanh, đèn đỏ, khi xe đỗ dừng ở chế độ chạy cầm chừng thì đào thải ra một lượng khí thải rất lớn. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện "quá đát" thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2-4 lần các loại xe mới.
Theo thống kê, tại Hà Nội và TP.HCM ước tính có tới khoảng 40% phương tiện tham gia giao thông là những xe máy cũ đã sử dụng thời hạn trên 15 năm. Nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận