Trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) (chiếm 2,31% tổng xử lý vi phạm TTATGT toàn quốc).
Trong đó lỗi vi phạm chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59%; không có giấy phép lái xe chiếm 7,38%; không đội mũ bảo hiểm chiếm 42,9%; có cả lỗi học sinh vi phạm nồng độ cồn, ma túy…
Trước tình trạng học sinh vi phạm pháp luật TTATGT ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng "điểm mặt" 9 nguyên nhân.
Thứ nhất là hiện tượng học sinh THCS, THPT đi học bằng xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội MBH, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ TNGT. Qua số liệu cho thấy lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là TNGT liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.
Thứ 2 là việc tổ chức giao thông tại khu vực các cổng trường học hiện nay đang có nhiều vấn đề đặt ra: Ùn tắc giao thông vào giờ đến trường, tan học; nhiều trường học có vị trí gần hoặc nằm dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, gần khu họp chợ... tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các vụ TNGT, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông và cho chính bản thân các em học sinh.
Thứ 3 là việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về TTATGT còn chưa hiệu quả.
Thứ 4 là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chung chung, hình thức chưa thực sự tác động hiệu quả đến đối tượng đặc thù là học sinh.
Thứ 5 là công tác giáo dục ATGT đã được các cơ sở giáo dục lồng ghép vào trong chương trình chính khóa nhưng chưa có khung chương trình chuẩn cho từng cấp học; các nội dung học về ATGT chưa rõ nét, trẻ thiếu kỹ năng thực hành.
Thứ 6 là một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái; chưa nêu gương trong chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT khi tham gia giao thông, nhất là trong khi chở con em mình trên xe không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia khi lái xe... dẫn tới làm ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức và hành vi của các em.
Thứ 7 là việc xử lý vi phạm khi phát hiện hành vi vi phạm với học sinh còn gặp khó khăn, do công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với nhà trường
Thứ 8 là một số địa phương buông lỏng quản lý hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh dẫn tới các vụ TNGT liên quan tới dịch vụ đưa đón học sinh (như vụ TNGT tại Đồng Nai tháng 2/2023 một xe đưa đón học sinh trong khi lùi xe làm 1 học sinh lớp 3 tử vong).
Nguyên nhân cuối cùng là mặt trái của internet và các trang mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của giới trẻ hiện nay, trong khi đó nhiều người trưởng thành, thậm chí người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội có những hành vi không chuẩn mực, quay clip đua xe, bốc đầu, đánh võng đăng tải lên mạng xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng rất không tốt đến giới trẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận