Máy bay Airbus A380 |
Thỏa thuận sơ bộ bán 36 máy bay phản lực lớn nhất thế giới A380 của hãng sản xuất máy bay Airbus cho khách hàng đối tác là Hãng hàng không Emirates (của Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất/UAE) đã tan vỡ, kéo theo những nghi ngại về tương lai của hãng sản xuất máy bay châu Âu.
Chần chừ với Airbus, ký hợp đồng với Boeing
Hai quan chức hàng đầu của Emirates thông báo với Giám đốc điều hành Airbus Tom Enders và Giám đốc doanh số John Leahy rằng, thỏa thuận béo bở trị giá 16 tỉ USD đã không được ký kết vào ngày diễn ra Triển lãm Hàng không Dubai cuối tuần qua.
Việc tạm ngừng thỏa thuận được công bố vào hoàn cảnh khá cay đắng đó là ngay sau khi đối thủ Boeing vừa ký được một thỏa thuận với Emirates trị giá 15 tỉ USD.
Diễn biến bất thường này một lần nữa chỉ ra những vấn đề về thời gian và niềm tin giữa hai hãng, có thể làm phức tạp thỏa thuận giữa Airbus và Emirates, hãng tin Reuters dẫn lời nhiều nguồn thạo tin cho biết.
Các ý kiến cho rằng, có lẽ, Airbus - Emirates, một trong những mối quan hệ đối tác thành công và thân cận nhất trong ngành Hàng không đang trở nên lạnh nhạt, đẩy thêm những vấn đề phức tạp mà hãng chế tạo máy bay châu Âu sẽ phải đối mặt trong bối cảnh hãng đang chật vật để duy trì hoạt động kinh doanh bình thường dù cũng đang dính phải các cuộc điều tra từ Anh và Pháp.
Một ngày sau khi hy vọng của Airbus bị dập tắt, Chủ tịch Hãng hàng không Emirates Tim Clark đã công khai gửi thông điệp từ Chính phủ Dubai đến hãng này cho biết, họ muốn Airbus phải đảm bảo, hãng sẽ tiếp tục sản xuất máy bay A380 trong 10 năm tới trước khi Emirates quyết định tiến hành đơn hàng mới.
Phản hồi lại qua thư điện tử tới ông Clark, CEO Airbus cho rằng, đây là tối hậu thư vô ích, hãng tin Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho hay. Nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết, hai bên cũng rất quan ngại quan hệ đôi bên có thể bị rạn nứt.
“Airbus từng rất tự tin sẽ đạt được thỏa thuận nhưng Dubai lại không muốn bị xem thường”, nguồn tin nói. Về phần mình, cả Airbus và Emirates từ chối bình luận sâu hơn.
Vấn đề trong quan hệ Airbus - Emirates
Nếu trong tương lai hai bên đạt được thỏa thuận, Emirates và Airbus vẫn cần phải giải quyết các vấn đề hữu hình ngay lập tức để có thể cải thiện quan hệ hợp tác - các đoàn đại biểu tham dự triển lãm hàng không nhận định.
Vấn đề đầu tiên nằm ở tương lai không chắc chắn về dàn lãnh đạo điều hành cả Airbus và Emirates tới đây. Nhiều người trong ngành công nghiệp hàng không thế giới cho rằng, Airbus có vẻ như mất phương hướng khi Giám đốc điều hành John Leahy chuẩn bị nghỉ việc vào tháng 1 tới.
Người bảo đảm mối quan hệ với Emirates là Habib Fekih cũng vừa nghỉ đầu năm nay trong khi chưa chắc chắn ông Enders có thể đảm bảo được trao quyền CEO Airbus trong năm 2019. Cùng lúc, các cuộc điều tra của Anh và Pháp vì nghi vấn Airbus gian lận trong các thỏa thuận mua máy bay gây cản trở Airbus trong khi đưa ra mọi quyết định.
Về phía Emirates, dù Giám đốc điều hành Clark vẫn tràn trề năng lượng làm việc ở tuổi 67, bác bỏ những đồn đoán về việc chuẩn bị nghỉ hưu nhưng gần như ông cũng sẽ phải chuyển giao công việc trong một giai đoạn nào đó và không chắc chắn có thể kêu gọi các giám đốc quản lý khác cam kết ủng hộ thỏa thuận A380.
Sự bất định này khiến “không cá nhân nào trong hai công ty này biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm về thương vụ máy bay A380 về sau này”, một nguồn tin thân cận chia sẻ.
Mặt khác, về điều kiện mà Emirates đưa ra, Ban điều hành Airbus sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi trao cho Dubai cam kết mà họ muốn, bởi điều này sẽ vượt quá phạm vi một hợp đồng thỏa thuận buôn bán máy bay bình thường. Nguồn tin của Reuters cho rằng: “Đây không phải là điều mà bất cứ công ty nào có thể dễ dàng thực hiện”.
Còn đối với Emirates, vấn đề này không chỉ đơn thuần là mua một máy bay từ Airbus. Các hãng hàng không thỏa thuận trực tiếp với nhiều nhà cung cấp từ bộ phận hạ cánh đến phần lốp hay hệ thống giải trí.
Các hãng sản xuất máy bay sẽ đóng vai trò như chỉ huy trưởng một dàn nhạc lớn và những hãng hàng không phải tuân thủ theo. “Nếu là khách hàng duy nhất của một dòng máy bay, hãng hàng không sẽ đối mặt nỗi lo rằng, có thể hãng sản xuất máy bay sẽ dần mất hứng thú, kéo theo các nhà cung cấp phụ tùng tàu bay sẽ không ủng hộ với ưu tiên cao.
Lúc này, hãng hàng không sẽ rơi vào tình trạng không thể chắc chắn ai sẽ ủng hộ họ ở lĩnh vực nào”.
Sở dĩ Emirates muốn Airbus cam kết vì từ năm 2015, hãng sản xuất máy bay châu Âu lần đầu tiên chính thức thừa nhận ý định có thể ngừng sản xuất máy bay A380 nếu như công ty có thể hòa vốn trong năm 2018.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận