Thoát nước nhanh, chống trượt, tăng tính an toàn
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đang tổng kết và đánh giá công nghệ bê tông nhựa rỗng thoát nước áp dụng tại Việt Nam.
Theo các tiêu chuẩn hiện hành, đối với đường ô tô cao tốc, đường ô tô có tốc độ khai thác cao, cần phải có lớp tạo nhám để đảm bảo an toàn, êm thuận trong quá trình khai thác. Công nghệ bê tông nhựa rỗng thoát nước đã được áp dụng từ lâu trên thế giới để đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên để áp dụng tại Việt Nam cần nghiên cứu kỹ cho phù hợp.
Vì vậy, Viện đã nghiên cứu, thử nghiệm trong phòng từ năm 2012; sau đó phối hợp với đối tác Nhật Bản nghiên cứu thử nghiệm tại hiện trường. Năm 2016, trình Bộ GTVT ban hành Quy định về thiết kế, thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông nhựa rỗng thoát nước có sử dụng phụ gia; Năm 2018 thi công diện rộng với chiều dài gần 30km trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ; Năm 2020, Viện xây dựng tiêu chuẩn TCVN 13048:2020 "Lớp mặt đường bê tông nhựa rỗng thoát nước - Thi công và nghiệm thu"; Năm 2022, tiếp tục theo dõi một số đoạn sử dụng bê tông nhựa rỗng thoát nước trên đèo Thung Khe - Hòa Bình và QL6 - Sơn La.
Đại diện Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nhấn mạnh, sau 10 năm nghiên cứu, áp dụng, cần thiết tổng kết, đánh giá việc áp dụng công nghệ này tại Việt Nam để có những điều chỉnh, đề xuất để hoàn thiện công nghệ này.
Qua theo dõi, đánh giá hiện trường cho thấy, bê tông nhựa rỗng thoát nước có nhiều ưu điểm. Về kết cấu mặt đường, có độ bền cao, chống vệt hằn bánh xe, chống rạn nứt. Đặc biệt là góp phần đảm bảo ATGT cho phương tiện lưu thông trên đường, vì đặc tính thoát nước nhanh nên tăng khả năng chống trượt, giảm lướt bánh xe, ngăn khói và bắn nước, từ đó tăng khả năng quan sát cho người điều khiển phương tiện, giảm nguy cơ tai nạn.
Đủ tiêu chuẩn áp dụng rộng rãi
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, kết quả sau thi công đoạn đường thí điểm một tháng, 12 tháng và 24 tháng đều cho thấy không có sự thay đổi về chất lượng mặt đường trong suốt quá trình theo dõi; mặt đường bằng phẳng, nhám đều, không có hiện tượng hằn lún, bong bật, xô dồn vật liệu, bạc đầu đá. Còn sau 105 tháng, mặt đường bằng phẳng, không có hiện tượng nứt vỡ.
Còn theo Công ty CP Đầu tư xây dựng Phương Thành, trên chiều dài tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là 29,3km đã thi công toàn bộ lớp phủ mặt đường bằng bê tông nhựa rỗng thoát nước. Tiến hành kiểm tra chỉ tiêu khai thác sau khi thi công 53 tháng, kết quả: Độ nhám mặt đường, sức kháng trượt mặt đường có xu hướng giảm theo thời gian nhưng vẫn đạt yêu cầu; vệt hằn lún bánh xe xuất hiện cục bộ tại một vài vị trí; thấm có suy giảm theo thời gian khai thác nhưng vẫn cao hơn giá trị yêu cầu.
"Việc áp dụng công nghệ bê tông nhựa rỗng thoát nước thời gian qua cho thấy chất lượng khai thác tốt, đảm bảo tốc độ xe chạy an toàn lớn hơn 120km/h theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam. Bộ GTVT cũng đã ban hành TCVN 13048:2020 "Lớp mặt đường bê tông nhựa rỗng thoát nước - Thi công và nghiệm thu". Như vậy là đã đủ tiêu chuẩn để áp dụng rộng rãi trong các dự án xây dựng mới cũng như bảo trì đường bộ, nâng cao khai thác an toàn", đại diện Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận