Áp lực “tiêu” hàng trăm tỷ trong 4 tháng
Trung tuần tháng 9/2022, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đón tin vui mới khi chỉ một vài ngày tới, nguồn vốn tín dụng và vốn góp Nhà nước (VGF) sẽ được khơi thông sau thời gian dài bế tắc thủ tục.
“Hiện, vốn chủ sở hữu tại dự án đã đạt 1.217 tỷ đồng, gấp đôi giá trị để đáp ứng điều kiện giải ngân đồng thời 3 nguồn vốn (511 tỷ đồng). Dự kiến đầu tuần tới, vốn tín dụng và VGF sẽ về dự án”, ông Trương Đức Liên, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) nói và không giấu được niềm vui bởi trong suốt thời gian qua, việc thi công dự án chỉ có duy nhất nguồn vốn của nhà đầu tư. Sự hạn chế đó khiến việc tăng cường mũi thi công gặp khó, mục tiêu bù tiến độ chậm không thể đạt được.
“Dự kiến, trong đợt đầu tiên (sau khi dự án đáp ứng điều kiện giải ngân các nguồn vốn), khoảng 265 tỷ đồng vốn VGF và hơn 260 tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được giải ngân.
Nguồn vốn tín dụng và vốn góp Nhà nước (VGF) tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ được khơi thông sau thời gian dài bế tắc thủ tục. Ảnh: Tạ Hải
Tuy nhiên, riêng số vốn VGF phải giải ngân tại dự án trong 4 tháng cuối năm còn hơn 500 tỷ đồng.
“Áp lực là rất lớn, ngay sau khi các nguồn tiền về dự án, chủ đầu tư/doanh nghiệp dự án sẽ yêu cầu các nhà thầu tập trung lập lại tiến độ, tăng mũi thi công các hạng mục quan trọng”, ông Liên chia sẻ.
Tại khu vực phía Nam, dự án tuyến tránh QL1 qua TP Cà Mau cũng đang đối diện áp lực khá lớn khi thời gian về đích chỉ cách chưa đầy 4 tháng, dự án vẫn chưa thoát cảnh chậm tiến độ. Số vốn phải giải ngân còn lại khoảng 350 tỷ đồng.
Theo báo cáo, tính đến hết tuần đầu tháng 9/2022, sản lượng thi công 4/4 gói thầu dự án tuyến tránh QL1 qua Cà Mau đạt 35,58%, chậm 2,6% so với kế hoạch. Về giá trị giải ngân, tính đến hết tháng 8/2022, khối lượng giải ngân tại dự án khoảng 449/800 tỷ đồng (56,1%).
Một lãnh đạo Ban QLDA 7 cho biết, tình trạng chậm tiến độ tại dự án tập trung chủ yếu ở gói thầu XL1. Sản lượng thi công gói thầu XL1 hiện mới đạt 31% giá trị hợp đồng, chậm hơn 5% so với kế hoạch.
“Nguyên nhân do nhà thầu chưa đảm bảo về năng lực tài chính và thiết bị, đặc biệt là Công ty CP Xây dựng thương mại và dịch vụ Anh Giang”, đại diện Ban QLDA 7 thông tin và cho biết thêm, nhà thầu đã cam kết huy động thêm 7 giàn thiết bị thi công cọc đất gia cố xi măng.
Đến nay, 6 giàn đã được huy động đến công trường, 5 giàn đang triển khai thi công. Ban QLDA đang tiếp tục đưa nhà thầu Anh Giang vào diện theo dõi đặc biệt. Thời gian tới, nếu tiến độ gói thầu không được cải thiện, Ban sẽ thực hiện thay thế bổ sung nhà thầu khác.
Đề cập đến tính khả thi giải ngân số vốn 350 tỷ đồng còn lại tại dự án, đại diện Ban điều hành dự án khẳng định: Kế hoạch vốn được giao sẽ được hoàn thành và công tác giải ngân vẫn trong tầm kiểm soát.
Về phía địa phương, dự án nâng cấp QL30 giai đoạn 3 do Sở GTVT Đồng Tháp làm chủ đầu tư cũng đang trong tình trạng báo động về kết quả giải ngân khi đến hết tháng 8/2022, khối lượng giải ngân mới đạt 73/272 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Hơn, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp cho biết, dự án có 3 gói thầu. Trong đó, gói thầu số 10 đã triển khai trong tháng 7/2022.
Hiện, nhà thầu đang triển khai thiết bị thi công cọc khoan nhồi, xử lý vướng mắc hạ tầng kỹ thuật. Đối với hai gói thầu còn lại (9, 11) dự kiến sẽ mở thầu vào ngày 19/9 tới đây.
Điều hòa vốn, đảm bảo giải ngân theo kế hoạch
Trong 4 tháng cuối năm, Bộ GTVT cần phải giải ngân khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng để hoàn thành kế hoạch vốn được giao (Ảnh minh họa)
Xác định việc giải ngân gần 200 tỷ đồng tại dự án nâng cấp QL30 là rất khó khăn trong gần 4 tháng còn lại, ông Nguyễn Hoàng Hơn cho biết, Sở GTVT Đồng Tháp đang phối hợp với đơn vị QLDA, nhà thầu rà soát, cân đối lại kế hoạch thi công để đề xuất Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh, điều hòa mức vốn tại dự án.
Điều hòa dòng tiền, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2022 cũng là giải pháp được Ban QLDA 6 triển khai.
Đại diện Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban QLDA 6) cho biết, tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Ban đã hoàn thành thủ tục giải ngân 319 tỷ đồng.
“Theo kế hoạch ban đầu, số vốn góp ngân sách Nhà nước (VGF) tại dự án là 1.900 tỷ đồng. Thế nhưng, căn cứ vào thực tiễn triển khai dự án, Ban QLDA 6 đã đề xuất Bộ GTVT cho điều hòa 1.131 tỷ đồng số vốn VGF tại dự án Diễn Châu - Bãi Vọt sang các dự án khác. Điều chỉnh giảm số vốn VGF giải ngân tại dự án chỉ còn 769 tỷ đồng”, đại diện Ban QLDA 6 nói và cho biết, số vốn điều chỉnh từ dự án Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ được ưu tiên cân đối cho các dự án của Ban QLDA 6.
Trong đó, điều chỉnh sang dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn Vũng Áng - Bùng là 416 tỷ đồng, đoạn Bùng - Vạn Ninh là 525 tỷ đồng. Khoảng 190 tỷ đồng còn lại sẽ tiếp tục cân đối bố trí cho một số dự án khác Ban phụ trách.
Tương tự cách làm trên, mới đây, Ban QLDA Mỹ Thuận đã trình Bộ GTVT phân khai kế hoạch vốn điều chỉnh cho các dự án.
Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, năm 2022, kế hoạch vốn sau điều chỉnh của đơn vị là 5.383 tỷ đồng. Tính đến nay, đã giải ngân được 1.670 tỷ đồng.
“Khối lượng giải ngân 4 tháng cuối năm khoảng 3.713 tỷ đồng. Để giải ngân hết số vốn này, Ban đã đề xuất điều chuyển giảm 350 tỷ đồng từ dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang dự án cầu Rạch Miễu 2; Điều chuyển giảm 129 tỷ đồng từ dự án nâng cấp đường cất/hạ cánh Tân Sơn Nhất để giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Thi thông tin.
Mỗi tháng giải ngân khoảng 4.000 tỷ đồng
Đại diện Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT cho biết, để giải ngân 100% kế hoạch năm của Thủ tướng Chính phủ giao, từ nay tới cuối năm, Bộ cần giải ngân khoảng 28.133 tỷ đồng.
“Khối lượng giải ngân bình quân khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng (không tính phần giải ngân cho GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2) sẽ là thách thức rất lớn”, đại diện Vụ KH-ĐT nhận định.
Đưa ra giải pháp giải quyết áp lực trước mắt, đại diện Vụ KH-ĐT cho rằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm là nhiệm vụ phải đặt lên hàng đầu.
Một số dự án điển hình được đề cập đến như: Các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên, Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyến tránh QL1A qua Cà Mau, Tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột...
“Đối với các dự án khởi công mới, phải cụ thể các mốc tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện đầu tư tương ứng với nhu cầu sử dụng vốn năm 2022 để làm cơ sở đôn đốc.
Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ, sớm giải ngân cho các công tác GPMB các dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2”, đại diện Vụ KH-ĐT nói và cho biết, thời gian tới, Vụ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất nhu cầu bổ sung kế hoạch năm 2022 cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt, kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch.
Theo số liệu từ Vụ KH-ĐT, lũy kế đến hết tháng 8/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được 22.195/50.328 tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, từ nay đến cuối năm Bộ GTVT phải giải ngân hơn 28.000 tỷ đồng.
Dự kiến, trong tháng 9/2022, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT khoảng 5.506 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân hết tháng 9/2022 khoảng 27.701 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận