Thị trường

Asanzo và các đơn vị liên quan có dấu hiệu trốn thuế gần 14 tỉ đồng

23/10/2019, 18:21

Cục Thuế TPHCM vừa đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự Asanzo và các đơn vị liên quan vì có dấu hiệu trốn thuế gần 14 tỉ đồng

img
Quyết định 3731/QĐ-CT-TT-CHS chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của CTCP Tập đoàn Asanzo

Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh vừa ra Quyết định 3731/QĐ-CT-TT-CHS chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo, mã số thuế: 0314074316, địa chỉ: Phòng 903, tầng 9, Toà nhà Flemington Tower, 182 Lê Đại hành, quận 11, TP Hồ Chí Minh đến Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC-03) - Công an TP. HCM để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, cơ quan này cũng chuyển hồ sơ vi phạm về thuế của Asanzo đến Tổng cục Hải quan - cơ quan đầu mối đang điều tra hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp này.

Nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, Asanzo và các đơn vị liên quan có đấu hiệu trốn thuế cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổng số tiền thuế Tiêu thụ đặc biệt và Thuế giá trị gia tăng trốn gần 14 tỷ đồng gồm thuế TTĐB: 9.785.590.910, thuế GTGT: 4.193.367.580.

Cục Thuế TP HCM cũng ra Quyết định truy thu và phạt thuế với Asanzo về hành vi ghi sai hóa đơn đầu vào với mức phạt 47 tỷ đồng.

Theo kết luận Thanh tra thuế số 650/KLTT-CT ký ngày 15/10 và các hồ sơ liên quan thể hiện Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên công ty đứng tên (nay đã bỏ địa chỉ kinh doanh - Công ty "ma") để các công ty này nhập hàng về bán lại cho Asanzo.

Cụ thể, Asanzo mua linh kiện điện lạnh từ các Công ty Trần Thoàn, Công ty Việt Tài, Công ty An Thiên về thuê gia công lại một phần rồi lắp ráp thành phẩm, dán tem Asanzo và bán cho doanh nghiệp cũng thuộc tập đoàn Asanzo. Asanzo mua "linh kiện" nhưng lại ghi nội dung hóa đơn là "mặt hàng thành phẩm" để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt; sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn…

Ngoài ra, cũng theo Cục Thuế TP HCM, Asanzo còn có hành vi sử dụng hoá đơn đầu vào có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp...

Không chỉ vi phạm hành chính về thuế, Asanzo còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và lừa dối khách hàng.

Cụ thể, với vi phạm về sở hữu công nghiệp, cả hai phiên toà, sơ thẩm (tháng 5/2018) và phúc thẩm (tháng 1/2019) của TAND tại TP Hồ Chí Minh đều xác định Asanzo xâm phạm nhãn hiệu Asano và đưa ra phán quyết: Buộc Công ty cổ phần điện tử Asanzo Việt Nam chấm dứt hành vi xâm phạm, cụ thể là chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình”; Xoá bỏ nhãn hiệu "Asanzo, hình" trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm 7,9,11 đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam; bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương (chủ thương hiệu Asano) số tiền 100 triệu đồng.

Dấu hiệu lừa dối khách hàng thể hiện qua việc Asanzo liên tục quảng cáo "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", và khẳng định có quan hệ hợp tác với Sharp – Roxy (Hong Kong – SRH), bằng việc công bố thư xác nhận của SRH về mối quan hệ này vào ngày 12/9/2019. Tuy nhiên, Tập đoàn Sharp đã phủ nhận mối quan hệ hợp tác này, đồng thời tố cáo Asanzo giả mạo bằng chứng bởi công ty Sharp - Roxy Hong Kong đã không còn tồn tại từ cuối năm 2016.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.