Thời sự Quốc tế

Bắc Kinh - EU giằng co về thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc

25/06/2024, 13:17

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng EU cần phải hủy bỏ mọi mức thuế đối với xe điện nhập khẩu từ nước này song để EU thay đổi quyết định được đưa ra sau nhiều tháng cân nhắc là không hề dễ.

EU mở cửa đàm phán nhưng muốn Trung Quốc nhượng bộ

Ngày 24/6, Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho biết Liên minh Châu Âu (EU) nên dỡ bỏ kế hoạch áp thuế xe điện nước này trước ngày 4/7.

Lời đề nghị được đưa ra sau khi Trung Quốc và Ủy ban Châu Âu đồng ý đàm phán về kế hoạch áp thuế đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào EU, mở ra cơ hội giảm căng thẳng giữa hai bên.

Ủy ban châu Âu cho biết sẽ đàm phán với Trung Quốc tại Brussels (Bỉ) trong tuần này.

“Tôi muốn nói với các đối tác Trung Quốc rằng cánh cửa đàm phán luôn rộng mở", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố sau khi gặp gỡ các quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 22/6.

Trung Quốc yêu cầu EU hủy bỏ mọi thuế suất đối với xe điện Trung Quốc trước ngày 4/7. (Ảnh: CNN)

Trung Quốc yêu cầu EU hủy bỏ mọi thuế suất đối với xe điện Trung Quốc trước ngày 4/7. (Ảnh: CNN)

Trước đó ngày 12/6, Liên minh châu Âu (EU) công bố sẽ áp thuế lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 4/7 do nghi ngờ chính phủ Trung Quốc trợ cấp quá mức và không công bằng.

EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thuế quan trước ngày 2/11, thời điểm kết thúc điều tra chống trợ cấp.

"Phía EU nhấn mạnh bất kỳ kết quả đàm phán nào về cuộc điều tra phải giải quyết hiệu quả vấn đề trợ cấp của Trung Quốc", người phát ngôn của Ủy ban EU cho biết hôm 24/6.

Ủy ban EU cùng các chuyên gia và các nhóm vận động hành lang đồng thời khẳng định Trung Quốc phải sẵn sàng nhượng bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán sắp tới.

"EU không thể thay đổi một quyết định đã được cân nhắc suốt nhiều tháng qua. Quả thực, Trung Quốc đang gây sức ép lên các quốc gia thành viên", bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia cao cấp tại Bruegel, một tổ chức tham vấn có ảnh hưởng quan trọng tới các vấn đề của EU, nhận xét và cho biết hiện tại không ai dám hủy bỏ kế hoạch thuế quan nêu trên.

Nhận định về vấn đề, ông Maximilian Butek, Giám đốc Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc, cho rằng EU không bao giờ loại bỏ thuế quan sơ bộ trước ngày 4/7 trừ khi Trung Quốc giải quyết mọi vấn đề phía châu Âu đã nêu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Trung Quốc phải có những thay đổi tiến bộ nghiêm túc khi đối diện với vấn đề.

Trung Quốc đe doạ đáp trả mạnh

Theo Reuters, Trung Quốc đang phải gánh chịu hậu quả sau hàng loạt rào cản thuế của Mỹ từ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nếu tiếp tục bị cuốn vào một cuộc chiến thuế quan khác với EU, thì đó là điều Trung Quốc không mong muốn.

Tuy nhiên, dù nhiều lần kêu gọi dừng áp thuế và bày tỏ thiện chí đàm phán, Bắc Kinh cũng cho biết sẵn sàng trả đũa nếu EU không lùi bước, khẳng định EU phải chịu trách nhiệm trước tình hình căng thẳng leo thang.

Thực tế ngay khi EU tuyên bố áp thuế, Trung Quốc đã đưa ra cam kết bảo vệ các công ty trong nước nếu xảy ra cuộc chiến thuế quan với EU. Thậm chí Bộ Thương mại Trung Quốc đã đe dọa sẽ kiện EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Kể từ tháng 7, các công ty sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ bị áp thuế lên đến 38,1% khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU. (Ảnh: CNN)

Kể từ tháng 7, các công ty sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ bị áp thuế lên đến 38,1% khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU. (Ảnh: CNN)

Trung Quốc cũng bác bỏ các nghi vấn của EU, khẳng định sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc là kết quả do những lợi thế về công nghệ, thị trường và chuỗi cung ứng mang lại.

Ngoài ra, nước này đã có các động thái ban đầu để đáp trả hành động điều tra chống trợ cấp và áp thuế xe điện của EU, trong đó điều tra chống bán phá giá thịt lợn nhập khẩu từ EU.

Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa và kế hoạch thuế quan đối với ô tô chạy xăng động cơ lớn đến từ châu Âu.

"Có khả năng Trung Quốc sẽ đánh thuế lên tới 25% đối với ô tô sản xuất tại châu Âu có động cơ từ 2,5 lít trở lên", ông Jacob Gunter, nhà phân tích hàng đầu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc MERICS (Đức), cho biết.

Vị chuyên gia nói thêm, thịt lợn và sữa đã nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc, khả năng cao sẽ còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của EU sẽ bị ảnh hưởng. 

Ông đề xuất EU nên xem xét các biện pháp nhắm đến các sản phẩm của Trung Quốc như thiết bị y tế, máy quét sân bay và ống thép.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.