Sáng 8/1, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì buổi "Cà phê doanh nhân", để gặp gỡ, trao đổi chia sẻ với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ưu tiên nâng cấp, mở rộng những tuyến đường kết nối
Tại buổi gặp gỡ, ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Công ty Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Nam Phú Hưng (huyện Hòa Bình) kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường đê Đông để doanh nghiệp thủy sản có đường lưu thông thông suốt, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa cũng như giảm chi phí cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương.
Về kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu cho biết, hệ thống đường giao thông nông thôn hiện nay, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải có ba cấp đường, tải trọng 25 tấn, 13 tấn và 8 tấn.
"Hiện nay, các huyện đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và mở rộng, sẽ nâng cấp một số tuyến từ 2,5 tấn lên 13 tấn, trong đó, tập trung nhiều ở địa bàn thị xã Giá Rai", ông Dũng thông tin.
Cũng theo ông Dũng, trong quy hoạch của các huyện đang được thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt, Sở Giao thông vận tải cũng lưu ý nâng cấp một số tuyến để người dân đi lại vận chuyển hàng hóa được thuận lợi.
"Tuy nhiên, nguồn lực có giới hạn, nên rất mong bà con nhân dân và doanh nghiệp chia sẻ với tỉnh", ông Dũng nói.
Liên quan đến việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận, trước đây, tỉnh làm giao thông tải trọng nhỏ vì nguồn lực có hạn, các doanh nghiệp cũng chưa phát triển.
Thời gian tới, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị, trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2025 - 2030, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cần ưu tiên cho những tuyến đường chính, những tuyến đường đấu nối vào đường ven biển, đường cao tốc Bắc - Nam… cần mở rộng để ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội.
Phải đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản
Cũng tại buổi cà phê đầu năm 2024, ông Quách Minh Mẫn, Giám đốc đại diện Công ty Growmax tại Bạc Liêu cho rằng, thời gian qua nhiều hộ dân nuôi tôm ở dọc tuyến đê biển Đông bị thiệt hại khá lớn khi tôm bệnh, chết.
Một trong những nguyên nhân là do thiếu nước, trong khi các tuyến kênh dẫn nước bị cạn, có cống điều tiết nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vẫn chưa làm xong…
"Người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xử lý, nhưng cũng chưa được giải quyết thỏa đáng", ông Mẫn chia sẻ.
Trước phản ánh trên, người dân và doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ kịp thời, không thể tình trạng cứ vào vụ mùa nuôi tôm lại thiếu nước, người dân và doanh nghiệp lại gặp khó khăn.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, dự án các cống trên tuyến đê biển Đông còn gặp một số vướng mắc, tỉnh đang tháo gỡ.
"Đề nghị các sở, ngành tiếp tục kiểm tra để có phương án hợp lý, đảm bảo nguồn nước cho người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản", ông Thiều nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận