Phân cấp cho UBND tỉnh quyết chủ trương đầu tư nhiều dự án
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
"Dự án này sẽ tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh", ông Dũng nhấn mạnh.
Trong đó, dự án luật này sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư như phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng cho UBND cấp tỉnh đối với 3 nhóm dự án.
Đó là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tự xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt; dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới nhằm tạo chủ động cho các địa phương.
Đối với sửa đổi Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án luật này bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP, giao bộ, ngành và địa phương xem xét, chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.
Bổ sung loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) không yêu cầu thanh toán để áp dụng với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Đối với cơ chế tài chính về dự án PPP, dự thảo luật có quy định áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP.
Hướng tiếp cận là tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.
Về việc xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp, dự án luật cho phép áp dụng Luật PPP trong trường hợp hợp đồng được ký kết trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành mà chưa có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với các hợp đồng dự án BT có nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết, Chính phủ đã đề xuất cơ chế xử lý tại Tờ trình số 513.
Tuy nhiên, đây là nội dung phức tạp, cân được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn. Do đó, Chính phủ đã báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án này.
Nghiên cứu lại việc phân cấp cho UBND quyết định đầu tư bến cảng dưới 2.300 tỷ đồng
Ở góc độ thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật.
Góp ý về quy định phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định này chưa thể hiện sự khác biệt về điều kiện đầu tư đối với các dự án này.
Do đó đề nghị nghiên cứu lại, đồng thời cần rà soát bảo đảm tương thích với nội dung sửa đổi về quy mô dự án tại Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang trình Quốc hội.
Về lĩnh vực, quy mô đầu tư theo phương thức PPP và quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc mở rộng lĩnh vực đầu tư PPP và hạ mức quy mô tối thiểu hoặc bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô tối thiểu có thể góp phần tạo điều kiện, gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước.
Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng tại một số số địa phương đang trong giai đoạn thí điểm chưa được tổng kết, đánh giá. Vì vậy, đề nghị rà soát, cân nhắc, thận trọng đối với đề xuất này và bổ sung đánh giá kỹ lưỡng.
Ngoài ra, Luật PPP đã được áp dụng khoảng 5 năm, nhưng việc huy động các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP thời gian qua để có giải pháp phù hợp hơn.
Về loại hợp đồng BT, cơ quan thẩm tra nhận thấy, Quốc hội đã cho phép thí điểm loại hợp đồng BT tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Nghệ An.
Các quy định này mới được thí điểm, chưa được tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, chưa đủ thời gian kiểm nghiệm trên thực tế.
Bên cạnh đó, nội dung quy định về loại hợp đồng BT tại khoản 10 Điều 4 dự thảo Luật đang có sự khác biệt so với quy định tại Luật Thủ đô và các Nghị quyết thí điểm. Đồng thời, quy định tại dự thảo Luật hiện tại vẫn chưa giải quyết được các vấn đề đặt ra khi dừng thực hiện loại hợp đồng BT trong thời gian qua.
Do đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT tại dự thảo Luật.
Để bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng BT, đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện, phát huy lợi thế của loại hợp đồng BT, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận