Đề xuất bổ sung quy định cấm hành vi quảng cáo sai sự thật
Phát biểu thảo luận tại phiên họp chiều 10/11 góp ý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây hậu quả lớn tới người tiêu dùng; nông sản xanh, sạch khó có chỗ đứng trước những sản phẩm bẩn, kém chất lượng.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam)
Theo đại biểu, hàng năm hầu như đều ghi nhận các vụ việc mất an toàn thực phẩm, quy mô lớn, hoang mang dư luận. Chưa kể, các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Thực tế, thực phẩm bẩn không đảm bảo chất lượng có thể không gây nguy hại ngay tới sức khỏe, chẳng khác nào mang tiền mua bệnh mà không biết phải đối mặt với nhiều tác hại, bệnh tật, thậm chí là nguyên nhân của ung thư.
Trong trường hợp này, theo đại biểu Trinh, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng: Tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng mà không cần minh chứng bằng hậu quả.
Đại biểu đoàn Quảng Nam cũng chỉ ra, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại do còn một bộ phận người dân quan tâm mua hàng giá rẻ, người bán hàng "thổi phồng" công dụng của sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, hàng xanh, sạch khó có thể cạnh tranh với hàng giả, nhái kém chất lượng.
Đại biểu chỉ ra, để diễn biến tình trạng này, có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý, người kinh doanh sản xuất và người tiêu dùng khi còn quá dễ dãi với hàng giả, hàng nhái.
Bày tỏ quan ngại trước tình trạng quảng cáo sai sự thật tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm kém chất lượng với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng.
"Vừa qua, tình trạng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật, được báo chí lên án nhưng chế tài chưa được xây dựng đầy đủ", đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nhấn mạnh và đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm; các công ty, tổ chức, cá nhân quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về những thông tin quảng cáo của mình.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa đủ chế tài
Góp ý vào dự thảo, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc mua, bán hàng qua hình thức thương mại điện tử như hiện nay, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể.
Đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan.
"Từ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng cho thấy, các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa đủ các chế tài mạnh mẽ", đại biểu nhìn nhận.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đầy đủ và bao quát hơn.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn Long An)
Cần có giải pháp bảo vệ thông tin người tiêu dùng một cách đồng bộ
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn Long An) thì đề nghị xem xét, bổ sung quy định về hành vi mua bán thông tin để có giải pháp bảo vệ thông tin người tiêu dùng một cách đồng bộ.
"Trong thực tế vừa qua xảy ra rất nhiều trường hợp để lộ lọt thông tin người tiêu dùng, trong đó có trường hợp mua bán thông tin người tiêu dùng. Những trường hợp này phải xử lý theo quy định của pháp luật", đại biểu Uyên nêu dẫn chứng.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng có hiện tượng sử dụng thông tin của khách hàng mà không được cho phép, sử dụng cho các mục đích ngoài thỏa thuận. Đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu chỉ rõ, dự thảo Luật quy định: Trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng.
Đại biểu đề nghị cần làm rõ cơ quan chức năng nêu trên là cơ quan nào, để đảm bảo tính khả thi khi triển khai trên thực tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận