Thuyền trưởng, thợ máy tàu biển, tàu cá được đổi bằng sang tàu pha sông biển |
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 02, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56 ngày 24/10/2014, quy định về thi, cấp, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên phương tiện thủy. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ 15/3/2017. Điểm đáng quan tâm của thông tư này là người có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng Tư từ 400 CV trở lên và có thời gian đảm nhiệm chức danh trên từ đủ 18 tháng trở lên, được chuyển đổi sang bằng thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy hạng Nhì. Thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá được chuyển đổi sang hạng Ba của phương tiện thủy. Điều kiện chung để chuyển đổi là người có bằng hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghề tương ứng với hạng thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy.
Tương tự, người đã tốt nghiệp nghề tàu biển hoặc có bằng thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn tàu biển và có thời gian đảm nhiệm chức danh thực tế từ đủ 6 tháng trở lên sẽ được chuyển đổi sang bằng lái phương tiện thủy nội địa. Điều kiện là phải thi đạt các môn lý thuyết tổng hợp tương ứng với hạng bằng thuyền trưởng, máy trưởng được phép chuyển đổi.
Nội dung thông tư sửa đổi cũng cho phép người có bằng thuyền trưởng một số hạng được điều khiển phương tiện có sức chở lớn hơn (so với quy định hiện hành). Chẳng hạn, người có bằng thuyền trưởng hạng Ba hạn chế hoặc hạng Tư được đảm nhận chức danh thủy thủ phương tiện chở khách ngang sông có sức chở đến 50 người, phương tiện chở hàng đến 50 tấn, công suất máy chính đến 50 sức ngựa. Thuyền trưởng hạng Ba được điều khiển đoàn lai đến 400 tấn; thuyền trưởng hạng Nhì được điều khiển tàu có trọng tải toàn phần đến 1.000 tấn, tàu chở khách đến 100 người.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, quy định trên giúp tạo điều kiện cho các thuyền viên tàu cá, tàu biển chuyển đổi bằng để làm việc trên tàu pha sông biển (tàu SB). Bởi hiện có nhiều thuyền viên tàu biển, tàu cá có nhu cầu làm việc trên tàu SB nhưng chưa có quy định chuyển đổi ngang bằng giấy chứng nhận, bằng lái, chứng chỉ thuyền viên, thợ máy của hai loại trên sang tàu SB.
Được biệt, hiện có hơn 1.200 tàu SB đang hoạt động trên tuyến vận tải ven biển dành cho tàu SB, nhưng mới có 1.500 thuyền viên đã qua đào tạo, đủ điều kiện làm việc trên tàu SB, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận