Hồ sơ tài liệu

Bangladesh chọn chủ nhân Nobel Kinh tế làm người đứng đầu Chính phủ lâm thời

07/08/2024, 09:40

Ông Muhammad Yunus, nhà tiên phong trong lĩnh vực tài chính vi mô từng đoạt giải Nobel Kinh tế, được Tổng thống Bangladesh lựa chọn làm người đứng đầu Chính phủ lâm thời.

Quyết định sau 5 giờ thảo luận

Theo hãng tin Al-Jazeera, thông tin trên được Thư ký Báo chí Văn phòng Tổng thống Bangladesh Joynal Abedin công bố ngày 7/8. 

Theo ông Abedin, các chức danh khác trong chính quyền của ông Yunus sẽ sớm được chốt sau các cuộc thảo luận với các đảng phái chính trị khác.

Bangladesh chọn chủ nhân Nobel Kinh tế làm người đứng đầu Chính phủ lâm thời- Ảnh 1.

Ông Yunus nổi tiếng là nhà kinh tế học được trao giải Nobel nhờ sáng kiến về tín dụng vi mô giúp người dân thoát nghèo (Ảnh: Getty Images).

Trước đó, trong cuộc họp kéo dài 5 giờ liền vào cuối ngày 6/8 với Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin, các thủ lĩnh phong trào biểu tình sinh viên, lãnh đạo 3 nhánh quân sự của Bangladesh, thành viên các tổ chức dân sự và lãnh đạo các doanh nghiệp đã nhất trí chọn ông Yunus là người đứng đầu Chính phủ tạm quyền.

Được biết, các thủ lĩnh phong trào biểu tình sinh viên đã đề cử ông Yunus làm người đứng đầu Chính phủ lâm thời và ông này cũng đã chấp thuận đề cử. Ông Yunus dự kiến sẽ quay trở về Bangladesh từ Pháp trong thời gian sớm nhất.

Ngay sau khi Tổng thống Mohammed Shahabuddin đưa ra quyết định cuối cùng, các thủ lĩnh phong trào biểu tình sinh viên đã rời khỏi dinh thự Tổng thống và tuyên bố hoan nghênh quyết định của ông Shahabuddin.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Mohammed Shahabuddin ra lệnh sa thải Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Bangladesh vì đã để xảy ra tình trạng bạo loạn trong các cuộc biểu tình khiến hơn 300 người thiệt mạng và buộc bà Hasina phải chạy trốn sang Ấn Độ.

Nhiều thăng trầm khi là đối thủ của bà Hasina

Ông Yunus nổi tiếng là người hay chỉ trích bà Hasina và cũng là đối thủ chính trị hàng đầu của bà. Ông từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2006 khi đi tiên phong trong việc sử dụng tín dụng vi mô để hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là phụ nữ Bangladesh thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Ủy ban Giải Nobel khi đó đã ca ngợi ông Yunus và ngân hàng Grameen Bank do ông sáng lập vì những nỗ lực cải thiện kinh tế và phát triển xã hội cho những người nghèo khổ.

Bangladesh chọn chủ nhân Nobel Kinh tế làm người đứng đầu Chính phủ lâm thời- Ảnh 2.

Ngân hàng Grameen Bank của ông Yunus dù giúp nhiều người dân Bangladesh thoát nghèo nhưng cũng khiến ông không ít lần lao đao vì những rắc rối pháp lý dưới thời bà Hasina (Ảnh: Grameen Foundation).

Ông Yunus sáng lập ngân hàng Grameen Bank từ năm 1983 nhằm cung cấp các khoản vay nhỏ cho các doanh nhân không đủ điều kiện thông thường để nhận được các khoản vay. Ngân hàng này đã thành công trong việc giúp người dân thoát nghèo và hướng tới những nỗ lực về tài chính vi mô như mô hình của nhiều nước khác trên thế giới.

Đến năm 2008, ông Yunus đã vướng vào rắc rối với bà Hasina khi chính quyền do bà lãnh đạo tiến hành hàng loạt các cuộc điều tra liên quan tới ông. Trong quá trình điều tra, bà Hasina cáo buộc ông Yunus đã sử dụng vũ lực và các biện pháp khác để thu hồi nợ từ những phụ nữ nghèo ở nông thôn. Tuy nhiên, ông Yunus lên tiếng bác bỏ cáo buộc.

Đến năm 2013, ông Yunus bị đưa ra xét xử vì tội nhận tiền khi chưa được sự cho phép của chính quyền từ giải Nobel và tiền nhuận bút từ một cuốn sách do ông viết.

Sau đó, ông còn phải đối mặt với nhiều cáo trạng liên quan đến các công ty khác do ông sáng lập như Grameen Telecom, một nhánh của hãng điện thoại di động hàng đầu Bangladesh Grameenphone thuộc sở hữu của gã khổng lồ viễn thông Na Uy Telenor.

Đầu năm 2024, một tòa án đặc biệt tại Bangladesh đã kết án ông Yunus và 13 người khác tội biển thủ công quỹ với số tiền lên đến hơn 2 tỷ USD. Ông Yunus từ chối nhận tội và chấp thuận nộp tiền để được tại ngoại. Những người ủng hộ ông Yunus cho rằng, ông trở thành mục tiêu bị điều tra vì mối quan hệ căng thẳng giữa ông và bà Hasina.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.