Tối hậu thư
Ngày 6/8, theo hãng tin Reuters, thư ký báo chí của Tổng thống Bangladesh - ông Shiplu Zaman thông báo: "Tổng thống Mohammed Shahabuddin đã tuyên bố giải tán Quốc hội".
Giải tán Quốc hội là một trong những yêu cầu của phong trào biểu tình tại nước này.
Cũng trong thông báo trên ông Shiplu Zaman cho biết Chủ tịch Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) Begum Khaleda Zia, một cựu thủ tướng, đối thủ chính của cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina được trả tự do, không còn chịu lệnh quản thúc tại gia.
Trước đó, ông Nahid Islam, một trong những lãnh đạo chủ chốt của phong trào chống lại chính phủ bà Hasina cho biết, Quốc hội nhất định phải giải tán trước 15h chiều 6/8 (giờ địa phương).
Các lãnh đạo biểu tình cũng kêu gọi sinh viên hãy sẵn sàng cho cuộc cách mạng nếu đề nghị giải tán Quốc hội không được thực hiện.
Đồng thời, người biểu tình mong muốn ông Muhammad Yunus, người đoạt giải Nobel Hòa bình, trở thành cố vấn trưởng cho chính phủ lâm thời của Bangladesh. Người phát ngôn đại diện cho ông Yunus cho biết đã đồng ý với yêu cầu trên.
"Bất kỳ chính phủ nào khác với chính phủ do chúng tôi đề xuất sẽ đều không được chấp nhận. Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ chính phủ nào do quân đội hỗ trợ hoặc lãnh đạo", ông Islam tuyên bố.
Ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2006 sau nỗ lực đưa hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo bằng việc cấp các khoản vay nhỏ dưới 100 USD (hơn 2,5 triệu đồng) cho người nghèo ở các vùng nông thôn Bangladesh.
Tuy nhiên vào tháng 6 vừa qua, ông bị tòa án nước này truy tố với cáo buộc biển thủ công quỹ. Ông đã phủ nhận cáo buộc này.
Cựu Thủ tướng Bangladesh xin tị nạn ở Anh
Liên quan đến cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, hãng tin NDTV của Ấn Độ cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã cấp quyền tạm trú đối với bà Sheikh Hasina sau khi bà từ chức và chạy khỏi đất nước trong bối cảnh làn sóng biểu tình, bạo lực leo thang đỉnh điểm.
Quyền lưu trú của bà Hasina tại Ấn Độ chỉ được phê duyệt tạm thời để vị cựu Thủ tướng chờ di chuyển đến thủ đô London (Anh) cùng chị gái tên Rehana đã có quốc tịch Anh.
Hiện nay, bà đang xin tị nạn tại Anh. Tuy nhiên, hãng tin NDTV cho biết, Chính phủ Anh chưa xác nhận cấp quyền tị nạn chính trị cho cựu Thủ tướng Bangladesh.
Trước đó, ngày 5/8, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã từ chức, lập tức lên trực thăng cùng chị gái rời khỏi đất nước, đến Ấn Độ trong bối cảnh số người thiệt mạng trong các vụ biểu tình bạo lực tiếp tục leo thang.
Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã gặp bà ngay khi hạ cánh xuống Ấn Độ nhưng không tiết lộ về thời gian lưu trú hoặc kế hoạch của bà Hasina.
Trong suốt nhiều tuần qua, Bangladesh chìm trong các cuộc biểu tình và bạo lực sau làn sóng sinh viên phản đối chính sách hạn ngạch công chức gây tranh cãi của chính phủ bà Hasina.
Ngày 5/8, Tướng Waker-Uz-Zaman, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh phát biểu trên sóng truyền hình toàn quốc, bất ngờ tuyên bố bà Hasina từ chức và nước này sẽ thành lập chính phủ lâm thời.
"Tôi hứa với tất cả các bạn, chúng tôi sẽ mang lại công lý. Các bạn hãy tin tưởng vào quân đội. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm, cam kết với tất cả các bạn", ông nói.
Vị tướng cũng khuyên người dân nói không với con đường bạo lực, quay trở lại với hòa bình, cho cơ quan chức năng thêm thời gian để cùng nhau giải quyết mọi vấn đề của đất nước.
Trong khi đó, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết New Delhi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến phức tạp ở Dhaka (Bangladesh).
Chính sách gây tranh cãi của bà Hasina dành tới 30% vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước cho người thân của gia đình những người đã chiến đấu giành độc lập khỏi Pakistan.
26% số việc làm khác được phân bổ cho phụ nữ, người khuyết tật và dân tộc thiểu số. Do đó chỉ còn khoảng 3.000 vị trí cho hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp cạnh tranh trong kỳ thi tuyển công chức dù Bangladesh hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ.
Thanh niên Bangladesh cho rằng chính sách này mang tính phân biệt đối xử, chỉ có lợi cho những người ủng hộ Thủ tướng Sheikh Hasina sau khi bà vừa tái đắc cử vị trí lãnh đạo đất nước lần thứ 4 vào đầu năm 2024.
Người biểu tình cũng đề nghị chính phủ áp dụng chính sách tuyển dụng dựa trên năng lực thành tích, thay vì mối quan hệ chính trị.
Tính đến nay, các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra khắp Bangladesh đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 250 người. Trong đó bạo lực leo thang đỉnh điểm vào ngày 4/8, khi các cuộc đụng độ gây ra số người chết kỷ lục lên đến gần 100 người thiệt mạng, bao gồm 13 cảnh sát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận