Xã hội

Báo chí và doanh nghiệp: Cuộc chơi sòng phẳng mới bền lâu!

21/06/2021, 06:52

Nhà báo phải xác định được vai trò, tính độc lập trong thông tin, độc lập trong nghề để tạo ra những cuộc chơi sòng phẳng đối với doanh nghiệp.

img

Báo chí luôn chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh (Trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F2 liên quan đến ca F0 tại Công ty Samsung Việt Nam, KCN Yên Phong, Bắc Ninh hồi giữa tháng 5/2021)

Trong bối cảnh dịch bệnh với rất nhiều khó khăn, chưa bao giờ các doanh nghiệp lại được báo chí quan tâm hỗ trợ như hiện nay. Ngược lại, cũng chưa bao giờ doanh nghiệp lại cần báo chí như bây giờ. Nhưng ở một góc độ nào đó, doanh nghiệp cũng không khỏi “ngại ngần” trước báo chí. Làm thế nào để mối quan hệ này thực sự sòng phẳng, thượng tôn pháp luật để hai bên cùng phát triển?

Từ song hành gỡ khó...

Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Nhất Nam chia sẻ, công ty ông có một dự án nhà ở xã hội ven đô, tổng diện tích 10.000m2. Hiện, dự án đang ép cọc, chưa hoàn thiện hạ tầng và được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt giá bán, chấp thuận bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Thế nhưng, nhiều ngày nay, dự án của ông được dân môi giới, sàn giao dịch chào bán rầm rộ trên các diễn đàn bất động sản với giá từ 15 - 16 triệu đồng/m2.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người mua nhà, ông Tuấn lo lắng, gửi văn bản đến cơ quan chức năng và các sàn giao dịch, yêu cầu các bên không tự tiện lấy thông tin dự án đăng bán và nhận cọc. Thế nhưng, thông tin phát đi gần như không có hồi đáp, khiến doanh nghiệp gặp thêm nhiều phiền phức.

Do đó, ông Tuấn đã phải liên hệ với các cơ quan báo chí như: Báo Đầu tư, Xây dựng, Giao thông... đề nghị hỗ trợ cập nhật tiến độ dự án, đăng tải thông tin chính thức của chủ đầu tư. Đồng thời, khuyến cáo người mua nhà không giao dịch với các website trôi nổi, thiếu tin cậy, giả mạo trên mạng.

“Sau khi các thông tin từ chủ đầu tư được đăng tải, tình trạng khiếu nại liên quan đến đặt cọc tiền qua sàn và môi giới giảm hẳn. Phần lớn những người có nhu cầu mua nhà đều liên hệ với công ty để được hướng dẫn đăng ký, hoàn thiện hồ sơ mua nhà theo quy định”, ông Tuấn cho hay.

Tương tự, ông Hoàng Văn Thái, Tổng giám đốc Công ty CP Thái An cho hay, sau khi trúng đấu giá dự án ở Bắc Ninh, hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định và xác định đó chắc chắn là đất của mình, doanh nghiệp của ông đã tổ chức huy động vốn trước khi đủ điều kiện cho phép.

Sau khi được báo chí phản ánh và chính quyền vào cuộc, doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành, nộp phạt vi phạm hành chính, đồng thời bắt tay vào triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Sau hơn 6 tháng thi công, đến nay, dự án đã được Sở Xây dựng Bắc Ninh chấp thuận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Tuy nhiên, trên nhiều trang thông tin tổng hợp, diễn đàn bất động sản, các đối thủ vẫn rêu rao về tình trạng huy động vốn trái phép, nghi vấn pháp lý không đầy đủ, rủi ro cho người mua nhà... khiến Công ty CP Thái An gặp không ít bất lợi. Sau đó, ông Thái đã phải nhờ cơ quan báo chí hỗ trợ đăng tải thông tin trung thực, khách quan về dự án.

“Đến nay, thỉnh thoảng lại có bài đăng mới, những bài viết này không kiểm chứng, cập nhật thông tin mới. Họ đưa tin cũ, gây bất lợi cho doanh nghiệp và chống chế bằng cách mở ngoặc ghi thêm ngày tháng năm xảy ra sự việc, dù nó đã được khắc phục và diễn ra đã nửa năm”, ông Thái chia sẻ.

Tới cầu nối chính sách…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land (Vạn Phúc Group) chia sẻ, trong suốt thời gian qua, đặc biệt là hai năm xảy ra dịch Covid-19, báo chí đã luôn song hành và thể hiện vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp.

“Một mặt, báo chí lao vào tâm dịch, phản ánh chân thực đời sống, khó khăn của người dân, chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Chính phủ trong ngăn chặn, phòng chống dịch lây lan, đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, báo chí vẫn quan tâm về những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội, chia sẻ rất chân thành và công bằng”, bà Hương nhìn nhận.

Đồng hành với doanh nghiệp nhưng nhà báo, tòa soạn báo vẫn giữ được tính độc lập của mình là một điều khó, rất khó.
Thực tế cho thấy, khi nhà báo viết và tòa soạn báo đăng bài về doanh nghiệp thì đa phần, tôi có thể nói tới 80% sản phẩm xuất bản, người đọc cảm nhận ngay cái sự khen, tâng bốc của bài viết về doanh nghiệp, thậm chí có thể xem là bài truyền thông PR cho doanh nghiệp.
Do vậy, những người làm báo viết về kinh tế, về doanh nghiệp muốn sống được với nghề, bán được báo, có người đọc thì việc đầu tiên tòa soạn phải có định hướng nội dung, chọn góc nhìn để vừa mang tính thời sự, vừa có thông tin mà bạn đọc là doanh nghiệp cần.
Khách quan, trung thực thôi chưa đủ, bởi thông tin khách quan nhưng không đáng để bạn đọc quan tâm thì cũng bằng thừa.
Nhà báo Võ Hồng Văn (Thư ký tòa soạn Saigon Times)

Theo lãnh đạo Đại Phúc Land, thời điểm khó khăn nhất, 80% doanh nghiệp tưởng chừng không thể bước tiếp.

Tuy nhiên, họ đã được tiếp thêm động lực sau khi Chính phủ công bố chiến lược phát triển kinh tế với “mục tiêu kép”, quyết định tung ra những gói hỗ trợ kinh tế, giúp doanh nghiệp vực dậy sản xuất.

Điển hình như Nghị định 52 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; quyết định thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng...

Đi vào cụ thể lĩnh vực đất đai, bà Hương cho hay, thông qua báo chí, doanh nghiệp cũng có cơ hội để nêu lên những khó khăn của mình.

“UBND TP HCM đã tổ chức cuộc gặp giữa các doanh nghiệp để lắng nghe, các sở, ngành cũng vào cuộc để tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý, mặc dù còn chậm nhưng dù sao cũng có đưa ra các giải pháp điều chỉnh. Hy vọng sắp tới, Luật Đất đai được điều chỉnh sớm để mở những nút thắt, tháo gỡ những pháp lý liên quan cho các dự án bất động sản. Tất cả những điều đó có vài trò rất lớn của báo chí”, bà Hương chia sẻ.

Cuộc chơi lâu bền cần sự sòng phẳng

Ghi nhận những đóng góp không nhỏ của báo chí trong thời gian qua, song ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng thẳng thắn nhận xét, báo chí vẫn còn nhiều tồn tại.

“Đưa tin vi phạm của doanh nghiệp, sau khi nhận phong bì thì gỡ bài; vì lợi ích của một vài doanh nghiệp lớn nên không dám đưa tin; cố tình đăng tin không đúng sự thật về doanh nghiệp, đăng đi đăng lại những sai phạm đã được khắc phục; “đánh hội đồng” doanh nghiệp, cũng có cả tình trạng đăng quảng cáo không đúng bản chất...”, ông Võ dẫn giải.

Trước tình trạng trên, ông Võ cho rằng, báo chí cần phải tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, mỗi nhà báo cần giữ gìn sự trong sạch của bản thân. “Mỗi nhà báo cần bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng nghề, dũng cảm chiến đấu chống lại tham nhũng, tiêu cực trong đời sống, phát triển kinh tế - xã hội”, vị chuyên gia góp ý.

Dưới góc độ nghề nghiệp, nhà báo Vũ Viết Đoàn, Phó trưởng Ban Thời nay, Báo Nhân Dân cho rằng, giữa nhà báo và doanh nghiệp cần có sự sòng phẳng, điều này tạo nên cuộc chơi lâu bền.

Theo ông Đoàn, nhà báo phải xác định được vai trò, tính độc lập trong thông tin, độc lập trong nghề; cần phân biệt rõ cái nào đúng, cái nào sai, cái nào phù hợp để tạo ra những “cuộc chơi sòng phẳng” đối với doanh nghiệp.

“Có trường hợp khi doanh nghiệp chuyển thông tin, nhà báo cứ thế đăng bài lên. Hoặc doanh nghiệp hỗ trợ một ít kinh phí, nhà báo đứng ra bảo vệ doanh nghiệp. Điều đó không đúng. Có những trường hợp doanh nghiệp đó gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ vì có tiền, có hợp đồng quảng cáo, nhà báo không dám nói lên sự thật. Vậy là không ổn”, ông Đoàn nói và cho rằng, báo chí và doanh nghiệp khi đồng hành thì cần minh bạch thông tin. Nếu doanh nghiệp đúng, nhà báo hỗ trợ, còn doanh nghiệp không đúng, báo chí nên góp ý trên tinh thần xây dựng, chứ không phải trên tinh thần phá bỏ, “đánh cho chết”, hay ép buộc, dọa dẫm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.