Giá thuê tăng, diện tích hấp thụ lớn
Theo Công ty Đầu tư và Dịch vụ bất động sản CBRE, năm 2024, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp phía Bắc là 80%, phía Nam là 89%. Diện tích hấp thụ khu vực phía Bắc 400ha, tỷ lệ hấp thụ cao bởi được thúc đẩy bởi các giao dịch lớn trong những ngành công nghiệp khác nhau như điện tử, xe điện.

Một dự án bất động sản công nghiệp tại Hải Phòng.
Trong khi đó, khu vực miền Nam ghi nhận diện tích hấp thụ đạt 265ha, giao dịch lớn tập trung ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An. Long An là tỉnh có đường cao tốc Long Thành - Bến Lức vừa hoàn thành. Còn Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ và cảng biển dày đặc thì sắp tới cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu hoàn thành sẽ giúp nơi này tăng thêm lợi thế.
Giá thuê bất động sản công nghiệp ở hai khu vực Bắc và Nam đang dần thu hẹp. Đến cuối năm 2024, giá thuê trung bình của các khu công nghiệp ở phía Bắc đạt 137 USD/m2 (3,4 triệu đồng/m2), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá thuê khu vực phía Nam đạt 175 USD/m2 (4,3 triệu đồng/m2), tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường nhà kho và nhà xưởng xây dựng sẵn cũng có một năm tăng trưởng ấn tượng. Nhà xưởng xây sẵn ở phía Bắc lấp đầy tới 88%, phía Nam 89%. Hai khu vực này đều đón nhận 0,5 triệu m2 nguồn cung mới, cao nhất trong 3 năm qua.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam nhìn nhận, năm 2024, bất động sản công nghiệp ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực với sức hút từ các công ty đa quốc gia trong ngành điện tử, ô tô và các ngành công nghiệp mới nổi.
Nóng từ đầu năm 2025
Ngay những ngày đầu năm 2025, nhiều dự án cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Có thể kể đến như Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinh Quang (giai đoạn 1, TP Hải Phòng), do Công ty Cổ phần Idico Vinh Quang làm chủ đầu tư.
Mục tiêu hướng tới là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo loại hình khu công nghiệp sinh thái. Quy mô dự án 226ha, vốn đầu tư 3.550 tỷ đồng, tiến độ thực hiện không quá 36 tháng.
Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dưng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Yên Bình 3 (Thái Nguyên) do Công ty Cổ phần Tập đoàn BMK làm chủ đầu tư. Diện tích dự án 295ha, với tổng vốn đầu tư 4.139 tỷ.
Đáng chú ý, trước đó, Thủ tướng đã ký quyết định về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, với các mục tiêu quan trọng về phát triển nhân lực, sản xuất và tự chủ.
Cùng đó, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được tăng tốc thực hiện sẽ là động lực thúc đẩy bất động sản công nghiệp duy trì vị thế và tăng trưởng.
Điểm đến chiến lược
Ông Thomas Rooney, Phó giám đốc bộ phận Dịch vụ bất động sản công nghiệp Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ lớn nhờ vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu phát triển thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng, nhà xưởng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản công nghiệp. Các dự án sở hữu vị trí chiến lược, gần các sân bay quốc tế, giúp nhà đầu tư dễ dàng vận chuyển và giao thương.
Một chuyên gia khác cũng đánh giá, Chính phủ tăng tốc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm cũng là điểm cộng cho bất động sản công nghiệp. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông (đường bộ, đường biển, cảng biển) đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, rút ngắn thời gian và chi phí logistics.
Mặt khác, quy hoạch nhiều tỉnh, thành giai đoạn 2021 - 2030 được thông qua sẽ giải quyết phần nào vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho các khu công nghiệp. Những yếu tố này sẽ giúp bất động sản khu công nghiệp tiếp tục duy trì vị thế và tăng trưởng.
Năm 2024 có nhiều điểm sáng trong hoạt động đầu tư công. TP.HCM đưa vào khai thác tuyến metro đầu tiên của thành phố; dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đẩy nhanh tiến độ thi công; các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã giải ngân khoảng 79% kế hoạch được giao; khánh thành dự án đường dây 500kV mạch 3; thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân.
Năm 2025 cũng là điểm rơi của nhiều dự án quan trọng như: hoàn thành 3.000km cao tốc Bắc - Nam; kích hoạt nhiều dự án mới như dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây với tổng chiều dài trên 1.200km qua 23 tỉnh, thành phố.
Đến năm 2030, dự kiến cả nước có trên 5.000km đường cao tốc. Tổng mức đầu tư lĩnh vực đường sắt vào khoảng 151 tỷ USD, bao gồm cả đường sắt đô thị; đường thủy nội địa khoảng 11 tỷ đô la, lĩnh vực hảng hải khoảng 4 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, đây đều là những thông tin tốt cho thị trường bất động sản công nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận