Bán 3 triệu gói mì sau 1 clip trên mạng
Thanh long Bình Thuận là sản phẩm nông sản giàu dinh dưỡng, nhưng cũng như nhiều loại nông sản khác, mỗi mùa thu hoạch đến, người nông dân lại lo "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Ngay những tháng cuối năm nay, thanh long Bình Thuận tại chợ truyền thống mất nửa giá, từ 25.000-30.000 đồng/kg xuống còn 10.000-15.000 đồng/kg, giá buôn còn xuống thấp hơn. Đó là chưa kể những vụ ngập lụt như hồi tháng 8, thanh long nhiều nơi tại Bình Thuận phải đổ bỏ do hư ruột.
Trăn trở trước thực trạng lặp lại nhiều năm qua, anh Lê Quang Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đã "biến" thanh long thành những gói mì tôm ăn liền mang thương hiệu Caty Food. Cái tên mà theo anh giải thích, nó được lấy từ tên con sông Cà Ty, với ý niệm cầu cho mưa thuận gió hòa, nước sông đủ đầy tưới tiêu cho hàng nghìn hécta thanh long của tỉnh Bình Thuận.
Caty Food hiện có nhiều loại mì như: Mì hải sản chua cay, tôm và thịt gà, thịt heo và nấm, mì chay rau nấm, mì ly và mì trộn spaghetti. Giá bán sản phẩm dao động từ 10.000-16.000 đồng/gói. Ngoài ra, Caty Food còn có các dòng sản phẩm khác làm từ quả thanh long như rượu, bột trái cây, thanh long sấy.
Mì tôm thanh long Caty Food thu hút nhiều sự tò mò của khách hàng khi trên mạng xã hội Tiktok xuất hiện clip ngắn về nhân viên mặc trang phục hình quả thanh long nhảy nhót cùng điệu nhạc, trở thành xu hướng trên nền tảng này cách đây khoảng 1 năm.
Chia sẻ với PV, anh Huy cho biết, clip ngắn đó sau 72 giờ đăng tải đã thu hút gần 1 triệu lượt tương tác, hơn 80 nghìn lượt thảo luận trên mạng xã hội, nhờ đó anh bán được hơn 3 triệu gói mì. Nó cũng khẳng định bước đi đúng đắn đầu tiên của doanh nghiệp như câu nói "vạn sự khởi đầu nan".
Doanh thu tăng nhanh chóng
Đến nay, Caty Food mở rộng được hơn 10.000 điểm bán, doanh thu năm 2023 là 46 tỷ đồng. Năm 2024, Caty Food ước tính đạt doanh thu 250 tỷ đồng. Caty Food đặt mục tiêu sẽ mở rộng 50.000 điểm bán vào năm 2025, mở rộng hợp tác quốc tế để đưa mì tôm thanh long xuất khẩu.
Do Caty Food thu mua nguyên liệu từ các vùng trồng thanh long Bình Thuận nên có thể tự chủ nguồn nguyên liệu, giúp bà con nông dân trồng thanh long Bình Thuận có đầu ra ổn định.
Anh Huy cho biết, nguyên liệu chính của mì tôm là các thành phần từ bột mì, tinh bột khoai tây, nhưng chúng được thêm vào thanh long đỏ để tạo màu sắc và hương vị.
Thanh long sau khi thu hái được chọn lọc kỹ lưỡng, vận chuyển đến xưởng chế biến và rửa sạch bằng nước tiệt trùng. Vỏ được gọt bỏ, thịt thanh long được nghiền mịn và xử lý bằng công nghệ nano để giữ nguyên dinh dưỡng và màu sắc tự nhiên. Sau đó, được phối trộn với bột mì và tinh bột khoai tây theo tỷ lệ đặc biệt.
Cách phối trộn này giúp cho mì có màu sắc và hương vị mới lạ, tươi mát của thanh long tươi. Thanh long nhiều vitamin, có tính mát, khi kết hợp sẽ làm giảm lượng calo, giảm tình trạng nóng trong, góp phần thay đổi quan niệm ăn mì tôm sẽ bị nóng.
Đường đến thành công
Anh Huy nhớ lại, anh có khá nhiều ý tưởng sản phẩm được chế biến từ quả thanh long như rượu, bột trái cây, thanh long sấy khô... Nhưng khi triển khai thực tế, các sản phẩm vẫn không phủ sóng được thị trường.
Cho đến khi anh hợp tác với trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (nay là Đại học Công thương TP.HCM), Viện Khoa học kinh tế và Công nghệ Sài Gòn nghiên cứu ra sản phẩm mì ăn liền thanh long (năm 2020), anh mới tìm thấy con đường đi thực sự đúng đắn của quả thanh long.
Anh kể, mì và trái cây là hai nguyên liệu với kết cấu hoàn toàn khác biệt. Trái cây không cần xào nấu đã chín, còn bột phải qua chế biến. Kết hợp hai nguyên liệu này không tốt chúng sẽ bị bẻ gãy, tách rời khi làm chín. Anh cùng các đồng nghiệp mất 2 năm ròng rã, quên ăn, quên ngủ và đổ đi hàng container thanh long để tìm giải pháp.
Cuối cùng, các anh quyết định nghiền mịn và xử lý bằng công nghệ nano để hỗ trợ cho khả năng phân tán thịt quả thanh long trong khối bột, nhằm giữ màu sản phẩm cũng như giúp hạn chế suy giảm những hoạt chất sinh học trong trái.
Thời điểm ra mắt, mì thanh long chưa thực sự nổi trội bởi độ phủ sóng kém, khách hàng không tiếp cận đến. Các chiến dịch truyền thông đưa ra không hiệu quả, kinh phí hạn hẹp, khó cạnh tranh với những thương hiệu tên tuổi đã có sẵn thị phần.
Trong bối cảnh ấy, Caty Food chọn giải pháp quảng cáo một cách đời thường, thông điệp gần gũi, những bài hát câu từ dễ nghe, dễ nhớ. Lối đi riêng đó cuối cùng đã thành công.
Là một trong những khách hàng đang sử dụng mì tôm thanh long, chị Nguyễn Thanh Tuyền (32 tuổi, số 153 đường Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi vốn không thích ăn mì vì sợ nóng. Sau khi xem clip quảng cáo trên mạng xã hội, tôi đặt hàng về ăn thử và thấy hoàn toàn khác biệt. Sợi mì mềm, vị ngọt nhẹ tự nhiên".
Caty Food cho biết hiện tại đã ký kết thành công với 2 đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, với Mỹ, đã ký kết thành công 5 container. Với Trung Quốc đã ký kết thành công 7 container và đang đàm phán ký kết với Nga 10 container, Indonesia 8 container. Mỗi container có giá trị hàng dao động 700-800 triệu đồng.
Tham gia chương trình Shark Tank mùa 7, Caty Food kêu gọi 1 triệu USD cho 5% cổ phần, tương đương định giá doanh nghiệp 20 triệu USD. Shark Bình đã quyết định nhận deal 1 triệu USD cho 10% cổ phần, tương đương định giá 10 triệu USD.
Thị trường mì ăn liền Việt Nam có mức độ cạnh tranh rất cao khi hiện có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, đa số thị phần lại nằm trong tay số ít doanh nghiệp. Acecook và Masan là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mì gói, chiếm tổng cộng 33% thị phần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận