Ngày 15/8, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở, ngành để nghe báo cáo tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua.
Dự án cầu Thống Nhất tại thành phố Biên Hòa đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng trên bờ và dưới sông.
Theo đó, hiện Đồng Nai có 20 công trình, dự án trọng điểm đang triển khai, đa số là dự án giao thông. Trên thực tế, đa số các dự án này bị chậm tiến độ và chậm giải ngân vốn.
Cụ thể, tổng nguồn vốn bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm là hơn 4.000 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân hơn 450 tỷ đồng, đạt hơn 11% kế hoạch, đạt rất thấp.
Theo các đơn vị liên quan, đa số các công trình trọng điểm của tỉnh bị chậm tiến độ, chậm giải ngân phần lớn do liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ví dụ dự án cầu Thống Nhất là do vướng mặt bằng trên bờ và dưới sông nên hiện thi công cơ bản “dậm chân tại chỗ”. Tương tự cầu Bạch Đằng 2 mới thi công được khoảng trên 35% khối lượng công việc do chờ mặt bằng khá lâu…
Tại buổi làm việc, ông Võ Tấn Đức nói rằng khối lượng công việc còn lại cần phải hoàn thành tại các công trình, dự án trọng điểm là rất lớn. Vì vậy, các đơn vị liên quan buộc phải tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư để sớm đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng, triển khai dự án.
Còn ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: tới thời điểm này đã là giữa tháng 8/2023 nhưng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn tại các công trình, dự án trọng điểm "mới chỉ đạt 11% là quá thấp".
Cầu Vàm Cái Sứt trên hương lộ 2 vướng mặt bằng nên kéo dài thời gian thi công.
“Các đơn vị cần đẩy nhanh tốc độ công việc liên quan đến dự án trọng điểm. Tổ chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phải thường xuyên họp xử lý các nội dung liên quan và hàng tuần báo cáo cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiến độ từng dự án để có phương án đẩy nhanh tiến độ.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi đưa ra chính sách liên quan phải hợp lý và hợp lòng dân, nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Bên cạnh đó, cơ quan giải quyết khiếu nại sẵn sàng nhận đơn giải quyết khiếu nại trong quá trình thực hiện dự án. Còn chủ đầu tư phải chọn được nhà thầu tốt nhất, có kinh nghiệm để triển khai dự án và phải ngăn chặn việc đấu thầu, trúng thầu xong rồi bán lại thầu”, ông Lĩnh nói.
Ngoài ra, ông Lĩnh cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai lập danh mục các dự án không có khả năng giải ngân nguồn vốn để tính toán, xem xét điều chỉnh nguồn vốn; tăng tốc chuẩn bị kế hoạch triển khai các dự án đầu tư của năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận