Tối 28/11, Bộ Y tế thông tin, tại Việt Nam đến nay qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.
Ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của vi rút SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana...
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng các chuyến bay quốc tế đến, đi từ các nước ở Châu Phi trước sự xuất hiện của biến chủng mới
Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19;
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi;
Đồng thời, đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
Biến chủng Omicron được cho là đã xuất hiện ở châu Phi từ ngày 11/11.
Theo kết quả giải trình tự gen, Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có ít nhất 32 đột biến trên protein gai, một cấu trúc giúp virus tăng độ bám dính và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Delta chỉ chứa khoảng 13 đến 17 đột biến trên protein gai.
Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh. Điều này làm dấy lên lo ngại, Omicron có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ né miễn dịch hơn.
Một dấu hiệu nữa khiến Omicron trở nên đáng lo ngại là tốc độ lây lan của nó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận