Tiêu chuẩn hóa kỹ thuật, rõ trách nhiệm các bên liên quan
Bộ GTVT cho biết, theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, các thiết bị nâng trên công trình biển thuộc danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Tại Luật Chất lượng hàng hóa cũng quy định các thiết bị nâng trên công trình biển thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT.
Qua rà soát cho thấy, phần lớn thiết bị nâng trên các công trình biển đang sử dụng ở Việt Nam được nhập khẩu từ các nước như: Đức, Mỹ, Pháp, Ý…
Trên thế giới các nước đều rất quan tâm đến thiết bị nâng trên các công trình biển vì loại thiết bị này luôn tiềm ẩn rủi ro mất an toàn về người và tài sản do phải hoạt động trong môi trường khắc nghiệt ngoài biển.
Do vậy, các nước trên thế giới đã có những tiêu chuẩn quy định về kỹ thuật, quản lý riêng cho các loại thiết bị này.
Hiện tại, một số cơ quan trong nước đã thiết kế và chế tạo thành công các thiết bị thay thế (thanh cần, các chi tiết như puli, trục, tời…) đối với các thiết bị nâng đang khai thác trên các công trình biển.
Bộ GTVT cho biết, quy chuẩn khi ban hành sẽ giải quyết vấn đề tiêu chuẩn hóa về kỹ thuật, nêu rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, hoán cải, phục hồi, khai thác sử dụng và quản lý cũng như đảm bảo an toàn kỹ thuật và chất lượng thiết bị nâng trên công trình biển.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị nâng trên các công trình biển là các quy định tối thiểu các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thiết kế, chế tạo, hoán cải, phục hồi, sửa chữa, nhập khẩu, khai thác phải tuân thủ để thiết bị nâng đảm bảo yêu cầu an toàn kỹ thuật, an toàn lao động trong thiết kế, chế tạo, hoán cải, phục hồi, sửa chữa, nhập khẩu, khai thác sử dụng.
Bổ sung quy định thiết bị thang máy trên công trình biển
Phòng Công nghiệp, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, quy chuẩn mới đã tập trung bổ sung các quy định kỹ thuật riêng cho thang máy chuyên dùng trên các công trình biển.
Trong đó, bổ sung 46 định nghĩa liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật, cấu tạo, hoạt động, vận hành của thiết bị này.
Theo đó, thang máy là thiết bị nâng cố định phục vụ các mục đích đã xác định, bao gồm cabin có kích thước và chế tạo cho phép vận chuyển hành khách, hoạt động trong giếng nâng theo phương thẳng đứng hoặc nghiêng không quá 150.
Thang máy trên công trình biển được phân nhiều loại, trong đó có: Thang máy tác động trực tiếp; Thang máy thủy lực; Thang máy tác động gián tiếp; Thang máy phi thương mại; Thang máy dẫn động cưỡng bức (bao gồm cả tang kéo); Thang máy phục vụ và Thang máy dẫn động ma sát.
Ngoài ra, quy chuẩn cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm: Chủ công trình biển, cơ sở thiết kế, cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi và sửa chữa thiết bị nâng và cơ quan đăng kiểm.
Theo đó, các chủ công trình biển phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về đăng kiểm thiết bị nâng nêu trong quy chuẩn khi thiết bị nâng được chế tạo mới, hoán cải, phục hồi/hiện đại hóa, sửa chữa và khai thác để đảm bảo và duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Vận hành và bảo dưỡng thiết bị nâng trên các công trình biển tuân theo các quy định liên quan của Operation and Maintenance of Offshore Crane - API Recommended Practice 2D: 2014.
Các cơ sở thiết kế thiết bị nâng, bao gồm thiết kế đóng mới, hoán cải, phục hồi/hiện đại hóa thiết bị nâng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ khối lượng hồ sơ thiết kế theo yêu cầu và trình duyệt hồ sơ thiết kế theo quy định.
Đối với các cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi/hiện đại hóa và sửa chữa thiết bị nâng sẽ chịu sự kiểm tra giám sát của đăng kiểm về chất lượng, an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong quá trình đóng mới, hoán cải, phục hồi/hiện đại hóa và sửa chữa thiết bị nâng.
Về trách nhiệm của đăng kiểm, quy chuẩn nêu rõ: Cơ quan đăng kiểm thực hiện thẩm định thiết kế đóng mới, hoán cải và phục hồi/hiện đại hóa thiết bị nâng; Kiểm tra, giám sát kỹ thuật đối với thiết bị nâng trong chế tạo mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và đối với các thiết bị nâng theo các quy định của quy chuẩn này và các quy định có liên quan khác của pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ yêu cầu thực tế, đăng kiểm có trách nhiệm kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy chuẩn này khi cần thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận