Kinh tế

Bộ Tài chính: Đảm bảo an toàn về vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

27/09/2024, 19:56

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ lên các phương án để đề xuất phương án vốn khả thi và bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đánh giá kỹ phương án vốn

Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 9/2024), Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2024.

Bộ Tài chính: Đảm bảo an toàn về vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam- Ảnh 1.

Bộ Tài chính sẽ đánh giá kỹ và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án về vốn cho siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Ảnh minh họa).

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024 Bộ Tài chính diễn ra sáng nay 27/9, ông Lê Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết: Hiện nay, Bộ Tài chính tích cực tham gia cùng Bộ GTVT tải khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và các thủ tục để trình Quốc hội vào tháng 10/2024 theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Theo ông Dũng, ngoài dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam còn nhiều dự án đường sắt đô thị triển khai tại Hà Nội và TP.HCM cũng là dự án quan trọng quốc gia và cần rất nhiều vốn.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, dự kiến sang tuần, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá kỹ hơn, do đây là dự án quan trọng quốc gia và huy động nguồn vốn rất lớn. Bộ Tài chính sẽ đánh giá kỹ và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ông Dũng thông tin thêm: Trên cơ sở tinh thần các cuộc họp nội bộ, ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng ký Công văn số 10238 gửi Bộ GTVT và lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và TP.HCM, để Bộ GTVT và 2 thành phố đánh giá tác động kỹ về nhu cầu vốn, cơ cấu từng nguồn vốn, phân kỳ đầu tư dự án cũng như đánh giá tác động lên kế hoạch đầu tư công trung hạn của các địa phương.

"Do đây là công trình trọng điểm quốc gia được Chính phủ giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và công trình sử dụng nguồn vốn rất lớn nên chúng tôi sẽ lên phương án để đánh giá rất kỹ", Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư nhấn mạnh.

Đảm bảo an toàn nợ công

Nhấn mạnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vô cùng quan trọng về cơ sở hạ tầng nước ta thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết cơ sở chính trị đầu tư dự án đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua và giao nhiệm vụ cho Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, trong đó có Bộ Tài chính cùng xây dựng phương án cụ thể, để trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Dự án rất lớn, đòi hỏi nguồn vốn lớn, việc ngân sách nhà nước tham gia vào dự án này chắc chắn sẽ tác động đến nợ công, cơ cấu nợ công của chúng ta trong thời gian sắp tới.

"Với trách nhiệm được giao, chúng tôi sẽ bàn bạc và lên các phương án khác nhau, để đảm bảo hai mục tiêu đồng thời vừa an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia vừa có phương án vốn khả thi để đáp ứng yêu cầu xây dựng dự án", ông Chi nói và cho biết thêm: Bộ Tài chính sẽ làm việc với các cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ. Khi được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư sẽ có số liệu cụ thể về nguồn vốn, phân kỳ đầu tư; tổng thể cùng với các dự án quan trọng khác và kế hoạch đầu tư công trung hạn, từ đó, sẽ đánh giá tác động lên nợ công và an toàn tài chính quốc gia.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất huy động ngân sách Trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nguồn vốn góp các địa phương, nguồn vốn huy động có chi phí thấp, ít ràng buộc, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm.

Dự kiến, nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân cần bố trí cho dự án khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương 24,5% vốn đầu tư công trung hạn hằng năm bố trí trong giai đoạn 2021-2025 và giảm xuống còn khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026-2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.