Đề nghị đưa thông tin chính xác, thận trọng
Sáng 14/6, tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thông tin về việc nghi dùng cát biển làm nền cao tốc khiến một số diện tích lúa tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang giáp cao tốc Hậu Giang - Cà Mau bị chết.
Tư lệnh ngành GTVT khẳng định dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau "chưa sử dụng một hạt cát biển nào cả" và nguồn cát sử dụng cho dự án được kiểm soát chặt chẽ, không "làm dối" được.
Bộ trưởng đề nghị cần đưa thông tin chính xác, hết sức thận trọng về nội dung này để không ảnh hưởng tới chủ trương lớn đúng đắn về phát triển hạ tầng giao thông của Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, để thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn công tác để khảo sát, tìm hiểu lý do khiến lúa chết.
Trước đó, theo các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, đến nay, tổng số dự án thuộc danh mục Ban Chỉ đạo là 40 dự án/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không; đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố.
Ban Chỉ đạo đã xử lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, trong đó có các vướng mắc kéo dài như vốn cho các dự án đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, nguồn vật liệu xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng; tiến độ triển khai nhiều dự án bảo đảm yêu cầu.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành 674 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên 2.001km (trong tháng 6 này sẽ có thêm 19km đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt).
Tại phiên họp lần thứ 11 ngày 8/5 vừa qua, Thủ tướng đã giao 47 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương; đến nay, các đơn vị đang triển khai 36 nhiệm vụ, đã hoàn thành 11 nhiệm vụ.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua chủ trương điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, bộ đã hướng dẫn tỉnh Sóc Trăng thủ tục cấp mỏ và giao vùng khai thác biển.
Song song với đó, Bộ GTVT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 57/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 159, về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa; đã khởi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn.
Tiến độ cụ thể các dự án
Về tiến độ triển khai một số dự án cụ thể, TP.HCM đã rà soát, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Phước đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa -Chơn Thành. Hiện nay, đang giải trình các ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội để Quốc hội thông qua trong tháng 6/2024.
Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Dương và Bộ GTVT đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dầu Giây - Tân Phú.
Trong đó, đã trình Hội đồng thẩm định liên ngành 3 dự án (Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình theo hình thức PPP)...
Về vật liệu xây dựng, với các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nguồn cung cấp vật liệu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Với các dự án khu vực phía nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ GTVT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ và điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án, đáp ứng tiến độ thi công.
Về công tác triển khai thi công, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (đến nay sản lượng đạt 36.866/98.372 tỷ đồng - 37,5%), dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Chơn Thành - Đức Hòa, tiến độ cơ bản bám sát kế hoạch.
Đối với các dự án Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa -Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, thời gian tới khi mặt bằng và vật liệu xây dựng được tháo gỡ, các chủ đầu tư, nhà thầu sẽ tăng tốc để bù tiến độ bị chậm.
Các dự án thành phần 2 và 3 của dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất; dự án Bến Lức - Long Thành đang triển khai bám sát tiến độ.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang tiến hành chạy thử và hoàn thiện các thủ tục liên quan, dự kiến sẽ khai thác thương mại vào tháng 7/2024. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên tiếp tục chạy thử để phục vụ việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, dự kiến sẽ khai thác thương mại vào quý IV/2024.
Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác giải phóng mặt bằng còn lại tại một số dự án còn chậm do các khó khăn về xác minh nguồn gốc đất ở, khiếu nại về đơn giá, việc di dời đường điện cao thế với yêu cầu kỹ thuật cao còn chưa đạt tiến độ đề ra, công tác chuyển mục đích sử dụng rừng còn kéo dài… nhất là tại các địa phương: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang.
Một số dự án do các vướng mắc về giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu nên tiến độ triển khai thi công còn chưa đạt kế hoạch đề ra như dự án Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận