Nếu chờ sửa Luật PPP sẽ rất chậm
Chiều 27/10, tiếp tục chương trình kỳ họp 6, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 của Quốc hội liên quan báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc Chính phủ đề xuất nâng tỉ lệ vốn Nhà nước trong tổng vốn đầu tư các dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên 70% là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, để giải quyết triệt để các vấn đề đầu tư dự án giao thông theo hình thức PPP, phải sửa Luật PPP, nhưng nếu chờ sửa luật cần nhiều thời gian.
Trong khi đó, đây là thời điểm rất cấp thiết thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để tác động vào kinh tế, liên kết vùng.
Liên quan đến băn khoăn địa phương hay Bộ GTVT thu phí với các dự án quốc lộ, đường cao tốc giao địa phương đầu tư, bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng vấn đề này hoàn toàn bình thường.
Nêu kinh nghiệm của Quảng Ninh, bộ trưởng Thắng cho biết, việc theo dõi bảo trì bảo dưỡng rất quan trọng và chi phí rất lớn. Nếu để địa phương thực hiện thì nhiều địa phương không đủ khả năng tài chính để duy tu, bảo dưỡng đường cao tốc.
Với một số tuyến đường có sự tham gia của cả ngân sách Trung ương và địa phương, sau này Quốc hội cho cơ chế thu phí thì sẽ thu chung và chia sẻ tỉ lệ, do đó không có vấn đề.
Lý giải thêm, bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, có hai thứ quan trọng trong các dự án PPP.
"Một là, họ không khống chế tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia, Nhà nước có thể tham gia bao nhiêu % cũng được. Nhà nước có thể tham gia đến 80% cũng không sao, nhưng với các dự án hiệu quả cao thì Nhà nước chỉ cần 20-30%, rất linh hoạt", bộ trưởng cho hay.
Thứ hai, theo bộ trưởng, họ tách giải phóng mặt bằng (GPMB) ra một dự án riêng. Nhà đầu tư tư nhân khi tham gia vào dự án giao thông PPP thì 100% mặt bằng đã có sẵn.
Nhưng ở giai đoạn này, theo bộ trưởng Bộ GTVT, việc nâng 70% vốn Nhà nước trong các dự án giao thông PPP đã là rất đột phá, tạo sức hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP tốt hơn so với mức tối đa 50% hiện nay. Đề xuất đột phá này được kỳ vọng có thể giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư với các dự án giao thông.
Không làm chậm tiến độ chung dự án xây dựng sân bay Long Thành
Thảo luận với các đại biểu về dự thảo nghị quyết điều chỉnh nội dung Nghị quyết 53 của Quốc hội liên quan đến dự án GPMB, tái định cư cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành, bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đây là dự án quan trọng quốc gia, là dự án cảng hàng không có quy mô, tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực hàng không.
Riêng cấu phần GPMB có diện tích rất lớn, hơn 5.300ha, gồm khoảng 5.000ha cho sân bay và hơn 360ha xây dựng hai khu tái định cư bố trí tái định cư cho người dân vùng dự án.
Trong khi đó, bối cảnh triển khai dự án có những biến động không lường trước. Cụ thể, trong hai năm Covid-19 (2020-2021), tình hình rất khó khăn để triển khai công việc, đặc biệt là việc xuống hiện trường kiểm tra, đánh giá nghiệm thu, bàn giao.
Sau khi Covid-19 được kiểm soát, lại xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Sự kiện này khiến giá nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến dự án xây dựng khu tái định cư của người dân.
"Năm 2022, khi tôi tháp tùng Thủ tướng đi kiểm tra dự án tái định cư, các khu vực rất quan trọng với người dân như trường học đã phải dừng hết vì theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, các nhà thầu bỏ. Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu tăng cao hơn nhiều so với giá thầu, cộng với khó khăn của Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp không còn đủ khả năng làm tiếp. Chính vì vậy, dự án xây dựng khu tái định cư bị ảnh hưởng", bộ trưởng nói.
Dù vậy, theo bộ trưởng đến nay, các dự án đang được khởi động, triển khai trở lại. Giai đoạn khó khăn nhất về tiến độ dự án đã qua.
Trả lời lo ngại của đại biểu về việc liệu nếu dự án đền bù, tái định cư này bị kéo dài thêm 3 năm có ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án CHKQT Long Thành không, Bộ trưởng cho rằng, dù dự án GPMB khu tái định cư có thể bị kéo dài đến năm 2024 nhưng tiến độ chung của dự án sân bay Long Thành vẫn đang được kiểm soát.
"Cá nhân tôi, vừa là bộ trưởng Bộ GTVT vừa là người rất sát sao với dự án, tôi nghĩ, dự án tổng thể của CHKQT Long Thành nếu có chậm thì cũng không quá một năm. Lý do là toàn bộ phần diện tích mặt bằng để xây dựng giai đoạn 1 (hơn 2.500ha) đã được bàn giao đầy đủ", Bộ trưởng nói.
Hơn nữa, vấn đề tiến độ cần quan tâm nhất là của dự án nhà ga CHKQT Long Thành nhưng nay đã chọn được nhà thầu và đang triển khai. Trong trường hợp chậm nhất, nhà ga này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026. Các dự án thành phần khác hiện nay đang bám theo tiến độ của dự án nhà ga.
"Nhiều dự án đang có tiến độ nhỉnh, nhiều dự án đảm bảo tiến độ. Có thể yên tâm việc chậm giải ngân của dự án tái định cư không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án", bộ trưởng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận