Tiếp tục kỳ họp thứ 10, sáng 16/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Giải trình để làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến góp ý về vấn đề giao thông tĩnh, phát triển giao thông đô thị cũng như các vấn đề còn vướng mắc trong quản lý nhà nước về lĩnh vực GTVT.
Liên quan đến quản lý xe đưa đón học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến an toàn, tính mạng của thế hệ tương lai của đất nước.
Thời gian qua, loại hình này còn mang tính thời vụ, các quy định liên quan còn chưa rõ ràng, nảy sinh nhiều vấn đề, nhất là đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Vì thế, lần này, các quy định ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, phương tiện vận chuyển học sinh phải đảm bảo an toàn đã được cụ thể hóa trong dự thảo Luật.
Liên quan đến dịch vụ hỗ trợ vận tải các dịch vụ xe kết nối như Uber, Grab, Go - Viet..., Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT ủng hộ và hoan nghênh các đơn vị cung cấp phần mềm tham gia kinh doanh vận tải.
Thời gian qua, các đơn vị cung cấp phần mềm nước ngoài đã định giá cước vận tải, thu tiền và sau đó chia lại cho lái xe. Từ thực tế này, Bộ GTVT khẳng định các đơn vị này đang kinh doanh vận tải tại Việt Nam. Do đó, cần phải có những quy định phù hợp.
“Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã được ban hành để quản lý những loại hình vận tải mới. Lần này, Bộ GTVT cụ thể hóa trong dự thảo Luật để xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải”, Bộ trưởng nói.
Đề cập đến giấy phép kinh doanh vận tải, Bộ trưởng cho biết, hiện cả nước có hơn 4,3 triệu xe ô tô, trong đó chỉ có 1,7 triệu ô tô kinh doanh vận tải, còn lại là xe cá nhân.
Hiện nay giáo trình đào tạo GPLX đào tạo cả nghiệp vụ kinh doanh vận tải và cả kỹ năng lái xe. Điều này dẫn đến bất lợi là những người học không có nhu cầu lái xe kinh doanh vận tải, chỉ lái xe cá nhân nhưng vẫn phải học môn nghiệp vụ kinh doanh vận tải.
“Việc quy định giấy phép kinh doanh vận tải được học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc. Giáo trình của họ được chia ra làm hai phần riêng biệt, phần nghiệp vụ kinh doanh vận tải riêng và đào tạo kỹ năng riêng, người học chỉ có nhu cầu lái xe cá nhân sẽ không phải học môn nghiệp vụ kinh doanh vận tải. Người muốn học lái xe kinh doanh vận tải sẽ phải học các quy định pháp luật về vận tải. Việc tách riêng biệt hai nội dung giúp giảm tải cho người học. Chỉ người kinh doanh vận tải mới phải học môn nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ”, Bộ trưởng giải thích.
Liên quan đến quy định thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ trưởng cho biết, nhu cầu xây dựng đường cao tốc của chúng ta rất lớn nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp, bố trí nguồn vốn.
Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đây được xem là giải pháp quan trọng để có thêm nguồn lực đầu tư các tuyến cao tốc khác và bảo trì tốt hơn các tuyến đã đầu tư.
“Nghị quyết 152, Nghị quyết 17 của Quốc hội cũng đã cho phép các dự án đầu tư bằng ngân sách Nhà nước sẽ tổ chức thu phí. Đây là cơ sở để Bộ GTVT đưa quy định vào trong Luật. Khi đã đã được quy định trong luật, chúng ta sẽ có điều kiện tốt hơn để tái đầu tư các tuyến khác, trong bối cảnh ngân sách rất hạn hẹp", Bộ trưởng nói và cho biết thêm, mức thu được xác định với nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc. Chỉ thu phí đối với tuyến cao tốc mà có đường quốc lộ song hành do Nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận