Hoàn thiện quy định về sàn giao dịch chặt chẽ, rõ trách nhiệm
Phát biểu giải trình sau phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 23/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, quy định các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản như trong dự thảo luật dựa trên Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các nghị quyết, văn kiện của Đại hội Đảng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Đồng thời, để đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân trong giao dịch bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch bất động sản của người dân.
Nhà nước có công cụ quản lý thông tin về thị trường bất động sản, từ đó đưa ra các chính sách nhằm điều tiết kịp thời thị trường để thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nghị cho rằng, quy định giao dịch qua sàn không làm tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán. Hiện nay, chi phí quản lý bán hàng của chủ đầu tư thường khoảng từ 8 - 10% giá bán, gồm các chi phí nhân sự, quảng bá, truyền thông, hoa hồng cho người bán hàng. Chi phí này được chủ đầu tư tính vào giá bán.
"Chủ đầu tư có thể bỏ chi phí sử dụng bộ máy, nguồn lực riêng của mình để tự tổ chức quản lý bán hàng; thành lập sàn hoặc thuê sàn bất động sản để thực hiện. Việc này có khi còn tiết kiệm chi phí bán hàng cho chủ đầu tư, vì các sàn bất động sản là đơn vị bán hàng chuyên nghiệp, có sẵn dữ liệu khách hàng, có sẵn liên kết với các sàn và có sẵn các kênh tiếp thị, quảng cáo", Bộ trưởng Nghị nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành xây dựng cũng cho biết, các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai có nhiều đặc thù như tài sản chưa hình thành, pháp lý của dự án bất động sản phức tạp, điều kiện đưa vào kinh doanh phải được kiểm soát theo thực tế triển khai của dự án.
Do vậy, giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch bất động sản nhằm minh bạch hóa hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, tránh rủi ro cho người dân.
"Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến góp ý về nội dung này để đảm bảo hoàn thiện quy định về sàn giao dịch bất động sản cho phù hợp, chặt chẽ, rõ trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp", Bộ trưởng Nghị cho biết.
Đối với quy định về môi giới bất động sản, ông Nghị cho biết, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tách riêng các quy định về quyền, nghĩa vụ, điều kiện hoạt động của tổ chức môi giới và cá nhân môi giới bất động sản.
Cá nhân môi giới bất động sản chỉ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp cung cấp thông tin không đúng, không đủ so với thông tin về hồ sơ do sàn giao dịch bất động sản hoặc tổ chức môi giới cung cấp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)
Sàn giao dịch phải là "cánh tay nối dài" của nhà nước về thông tin thị trường
Trước đó, phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, bất động sản là một hàng hóa rất quen thuộc với tất cả mọi người nhưng khi được đưa vào giao dịch trên thị trường lại là một loại hàng hóa rất đặc biệt.
"Thị trường bất động sản gồm 3 bộ phận cấu thành: Người mua, người bán và người môi giới. Ba yếu tố này không thể thiếu khi mà cần có một thị trường hoàn chỉnh. Chúng ta dù không có quy định về môi giới bất động sản, thì trên thực tế, người dân khi đi giao dịch bất động sản vẫn cứ tìm đến người môi giới", ông Cường nhìn nhận.
Theo ông Cường, nhiều nước trên thế giới quy định môi giới là một nghề hoàn chỉnh với những điều kiện rất khắt khe, trách nhiệm rất lớn. Khi hàng hóa đưa ra giao dịch, người môi giới phải kiểm tra đảm bảo tính pháp lý, giá cả thị trường; nếu rủi ro về pháp lý hay gian dối về giá cả, người môi giới phải có trách nhiệm phát hiện, cơ quan thuế sẽ điều tra để xử lý người bán.
Do đó, người mua, người bán thông qua sàn giao dịch sẽ rất yên tâm, không phải quan tâm về rủi ro, sàn chỉ được nhận duy nhất tiền môi giới, không được nhận bất kỳ khoản chênh lệch mua bán khác.
Để thị trường bất động sản không có tình trạng nhiễu loạn, yếu tố lừa đảo, ông Cường đề nghị Luật phải quy định chặt chẽ về môi giới bất động sản. Khi hoạt động môi giới thông qua một văn phòng gọi là sàn giao dịch thì sàn này phải chuyên nghiệp, có khả năng trợ giúp người mua, người bán, là "cánh tay nối dài" của nhà nước để nắm được thông tin thị trường.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang)
Đề nghị thanh toán giao dịch bất động sản qua ngân hàng
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho biết, dự thảo Luật nên quy định phương thức thanh toán giao dịch bất động sản là phải chuyển khoản qua ngân hàng bởi việc thanh toán qua ngân hàng trong nền kinh tế đã phổ biến và tiện dụng.
Bên cạnh đó, Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được Chính phủ ban hành, trong đó nêu việc sửa đổi các văn bản pháp luật quy định theo hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực có giá trị giao dịch lớn như bất động sản.
Theo đại biểu, quy định thanh toán qua ngân hàng còn là một hình thức bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan khi có tranh chấp xảy ra. Vì thực tế khi giao dịch bất động sản không qua sàn, tức chỉ có hợp đồng chuyển nhượng được công chứng viên chứng thực vẫn xảy ra rủi ro cho cả hai bên khi có tranh chấp.
Vì vậy, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng sẽ là một tài liệu quan trọng để xác định trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan khi có tranh chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất xảy ra. Đặc biệt, việc quy định thanh toán qua ngân hàng còn góp phần chống thất thu thuế một cách hiệu quả khi giá trị giao dịch bất động sản lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận