Xã hội

Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra việc "cấm ghi hình khi tiếp dân"?

17/01/2019, 15:23

Có ý kiến chuyên gia cho rằng Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra, kết luận về quy định "cấm ghi hình khi tiếp dân nếu chưa được đồng ý".

img
Bộ Tư pháp đang xem xét báo cáo của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về quy định "cấm ghi hình khi tiếp dân nếu chưa được đồng ý". Trong ảnh: Một buổi tiếp công dân của Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải

Đó là thông tin được một lãnh đạo Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cho Báo Giao thông biết chiều nay (17/1).

Theo đó, thời gian gần đây, quy định "cấm ghi âm, ghi hình khi tiếp dân nếu chưa được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân" đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Nắm bắt thông tin về việc này, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đã vào cuộc xem xét, làm việc với các đơn vị liên quan để đánh giá tính hợp lý, hợp pháp của quy định này.

Lãnh đạo Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, ngày 15/1 vừa qua, Cục đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp về một số nội dung liên quan đến quy định nêu trên.

Thông tin về kết quả cuộc làm việc giữa Cục và các đơn vị liên quan về quy định này, vị lãnh đạo cho hay, một số chuyên gia được tham vấn có ý kiến khác nhau, có cả ý kiến về tính hợp lý, hợp pháp của quy định đó, cũng như các ý kiến liên quan đến thẩm quyền kiểm tra, kết luận tính hợp pháp của quy định về quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong các nội quy tiếp công dân.

Theo lãnh đạo Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, hầu hết các chuyên gia về xây dựng pháp luật được tham vấn đều cho rằng, quy định về quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong các nội quy tiếp công dân nêu trên được áp dụng trong phạm vi trụ sở tiếp công dân của cơ quan nhà nước (thường được niêm yết trong phòng tiếp công dân của các cơ quan), được ban hành bằng hình thức văn bản hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền do Luật Tiếp công dân giao; không thuộc loại quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Vì thế, các ý kiến này cho rằng Bộ Tư pháp (đơn vị tham mưu là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) không có thẩm quyền kiểm tra, kết luận về tính hợp pháp của các quy định này, mà trách nhiệm kiểm tra, rà soát, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nội dung không phù hợp (nếu có) của các quy định này trước hết thuộc trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành nội quy. Đồng thời thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân.

Lãnh đạo Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng nói thêm, hiện lãnh đạo Bộ Tư pháp đang xem xét báo cáo của Cục về nội dung này.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố, trong đó nêu rõ quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Quyết định vừa được thành phố ban hànhvề việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố là hoàn toàn phù hợp với luật hiện hành.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho biết, tất cả cácPhòng tiếp công dântrên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương đều đã được trang bị thiết bị camera ghi âm và ghi hình. Chính vì thế, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ ghi âm, ghi hình sẽ được bàn giao và có biên bản ghi nhận sự việc. Trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân.

Lý giải thêm về việc ban hành quy định trên, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh quy định này là để chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi làm việc, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.