Y tế

Bộ Y tế cấp cho vùng dịch 10 triệu liều vắc xin dập dịch bạch hầu

09/07/2020, 16:02

Trước tình hình dịch bạch hầu bùng phát và lan nhanh ở Tây Nguyên, sáng 9/7, Bộ Y tế đã đến Gia Lai bàn cách dập dịch...

img
Bộ Y tế chỉ đạo công tác dập dịch ở vùng Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Có người dân không hợp tác phòng dịch

Chiều ngày 9/7, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai vừa có thêm 3 ca dương tính với dịch bạch hầu. Theo đó, số liệu tỉnh Gia Lai ghi nhận 19 người dương tính với bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong.

Sáng 9/7, Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác đã đến Gia Lai bàn cách dập dịch bạch hầu ở Tây Nguyên và khu vực lân cận.

Liên quan đến bệnh dịch bạch hầu, lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá, dịch có xu hướng lan nhanh, lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên, tiếp tục có những diễn biến phức tạp hơn mọi năm.

Báo cáo của Bộ Y tế về công tác Y tế dự phòng cho biết, tính đến ngày 9/7, trên địa bàn Tây nguyên có 66 bệnh nhân nhiễm bạch hầu. Đáng lưu ý, trong 53 ca đầu tiên, có 28 ca có triệu chứng và 25 ca còn lại không có triệu chứng. Đơn cử như ở Gia Lai có 11 ca không biểu hiện và Kon Tum có 14 trường hợp không biểu hiện bệnh.

Qua thăm khám, các bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là viêm họng, Amidan. Những trường hợp này đa phần có kết quả dương tính chỉ khi xét nghiệm mẫu máu mới phát hiện.

Đáng lưu ý, các bệnh nhân người đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa chiếm tới 99% và độ tuổi trên 7 tuổi chiếm trên 90%. Có trường hợp người lớn tuổi vẫn mắc bệnh bạch hầu. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những bệnh nhân bị mắc bạch hầu là do không tiêm phòng, tiêm không đầy đủ, hoặc không nhớ có tiêm chủng hay không.

Theo cục Y tế dự phòng, hiện tại, bệnh bạch hầu vẫn lưu hành trong các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi có điều kiện cực kỳ khó khăn, do đời sống người dân vất vả, ít tiếp cận thông tin nên không tham gia và tham gia không đầy đủ chương trình tiêm chủng quốc gia.

Bà Trần Thị Nga, Phó chủ tịch tỉnh Kon Tum cho biết, tính đến sáng 9/7, trên địa bàn có 24 ca dương tính với bạch hầu. Qua kiểm tra thì phát hiện bệnh dịch bùng phát từ nguyên nhân người dân thiếu ý thức phòng bệnh, chủ yếu trong độ tuổi trẻ em. Thậm chí khi dịch bùng phát, các cán bộ y tế cho thuốc điều trị dự phòng thì người dân không uống hoặc uống xong rồi nhả. Tương tự, ở Đăk Nông còn có trường hợp viết giấy cam kết không uống thuốc điều trị dự phòng.

Một số người Mông di cư từ phía Bắc vào, họ sống biệt lập trong rừng ở Đắk Nông mà không ai biết họ tồn tại. Sau một thời gian dài, họ lập làng, rồi mới mở đường đi ra bên ngoài. Điều này tạo nên một lỗ hỏng trong tiêm phòng dịch bệnh mà người dân không tiếp cận. Ngoài ra, ở một số địa phương, nhân viên y tế phải đi vài chục km, mất 600.000 đồng tiền xăng xe mới có thể tiếp cận được người dân trong làng, vậy kinh phí ở đâu để thực hiện việc tiêm phòng vắc xin?.

Cũng theo cục Y tế dự phòng, một khó khăn tồn tại khác mà ngành y tế Quảng Ngãi cũng gặp phải đó là việc người dân ở vùng núi nơi giáp với tỉnh Quảng Nam đi làm ăn xa theo từng đợt, nên khi cán bộ y tế đến địa phương đã không gặp được nên rất khó khi tiêm phòng.

Minh chứng cho “vùng lõm” trong tiêm phòng vắc xin, Viện vệ sinh dịch tễ Khu vực Tây Nguyên cho biết, có vùng ở Đắk Nông khi điều tra xác định người dân chỉ mới tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng quốc gia chỉ mới đạt con số 47%.

img
Phun thuốc tiêu trùng dịch bệnh bạch hầu ở huyện Đak Đoa.

Thiếu thuốc điều trị đặc hiệu

Liên quan đến việc bệnh nhân dù đã tiêm chủng nhưng vẫn mắc bệnh bạch hầu, đại diện của Bộ Y tế cho rằng, có một vấn đề tồn tại ở vùng sâu vùng xa là người dân chưa tiêm chủng, tiêm chưa đủ liều, tiêm không đúng lịch. Một vấn đề lớn trong công tác tiêm chủng là việc tiếp cận đối tượng tiêm chủng và tuyên truyền phòng ngừa dịch trên hệ thống truyền thanh, truyền hình nhưng vì sao ngươi dân không tiêm vắc xin, không uống thuốc dự phòng khi dịch xảy ra?

Cùng với đó, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, phải “cầm tay chỉ việc”, cần phải gõ cửa từng nhà. Không thể trông chờ người dân đến trạm y tế để tiêm phòng mà phải đi vào từng nơi để tiêm phòng; các ngành các cấp phải vào cuộc; các đồn biên phòng cũng tham gia giúp tiêm chủng toàn dân đạt kết quả cao

Quyền bộ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch bạch hầu có xu hướng lan nhanh, lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên, tiếp tục có những diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Vì thế ngành y tế luôn sẵn sàng trên tinh thần vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa chống dịch bạch hầu. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Muốn dập dịch thì phải phát hiện sớm, cách ly sớm, và điều trị sớm. Muốn làm được điều này, địa phương phải kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch từ cấp tỉnh xuống địa phương.

Kết luận cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mọi năm dịch rải rác, quy mô nhỏ, năm nay xảy ra trên diện rộng. Bằng sự vào cuộc chủ động, tích cực nhất, Bộ Y tế với quan điểm chỉ đạo chung là làm thế nào để dập tắt dịch trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo tính bền vững trong thời gian tiếp theo.

"Phải ngăn chặn ngay, không để lây lan rộng trong cộng đồng" - Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời cho rằng, khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh thì khoanh vùng dịch, điều trị dự phòng từ vùng lõi dịch ra ngoài vùng dịch.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng phát động tiêm chủng ở quy mô lớn từ các vùng dịch ra ngoài, bắt đầu từ 4 tỉnh Tây Nguyên có người bị nhiễm bạch hầu đến các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Ngãi. Theo đó, sẽ giao cho 4 tỉnh Tây Nguyên khoảng 10 triệu liều vắc xin để tiêm chủng. Theo đó, các địa phương phải huy động ban ngành vào cuộc để tiêm chủng lưu động, đến gõ cửa từng nhà để tiêm chủng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.