Xã hội

Bóng dáng AI sau phóng sự điều tra đạt giải

20/06/2024, 07:05

Cùng với sự dấn thân thực tế của nhà báo, giờ đây các tác phẩm báo chí có thêm sự hỗ trợ đắc lực của "thư ký ảo".

Như người bạn đồng hành

Hồi đầu năm 2023, phóng sự truyền hình "Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh" phát sóng trên Báo điện tử Dân Việt đã đạt giải B Giải báo chí toàn quốc Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4.

Bóng dáng AI sau phóng sự điều tra đạt giải- Ảnh 1.

Hình ảnh minh hoạ loạt phóng sự điều tra đường đi của gỗ lậu đăng trên báo điện tử Dân Việt.

Một trong những điểm đặc biệt của phóng sự này là có sự đóng góp của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Nhóm sản xuất đã sử dụng AI để hỗ trợ tìm kiếm thêm thông tin về các loại gỗ quý, đề xuất các chuyên gia cần phỏng vấn.

Ngay sau khi Dân Việt đăng tải loạt bài điều tra về tình trạng phá rừng, hợp thức hóa hồ sơ rồi vận chuyển bằng hình thức gửi xe chuyển phát nhanh, Công an huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã khởi tố vụ án để điều tra.

Theo phóng viên Phạm Sỹ Công, Trung tâm Truyền hình số Dân Việt, Báo điện tử Dân Việt đang sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình sản xuất, biên tập sản phẩm hằng ngày.

"Trong phóng sự "Hiểm họa bóng cười" thực hiện đầu năm 2024, nhờ AI, chỉ vài giây, tôi đã có toàn bộ dữ liệu, thông tin chi tiết từ nguồn gốc, cách sử dụng, đến tác hại của bóng cười. Những dữ liệu đó giúp tôi dễ dàng xây dựng mạch bài cho loạt phóng sự", anh Công chia sẻ.

Cũng theo anh Công, AI còn hỗ trợ phóng viên đặt câu hỏi phỏng vấn các chuyên gia để không bỏ sót những vấn đề liên quan. Trong khâu dựng hình, AI góp phần chỉnh sửa những hình ảnh lỗi, hỗ trợ khâu đồ hoạ giúp việc miêu tả nhân vật, hành động được cụ thể, chi tiết, sinh động, nhanh hơn, thay vì phải tốn thời gian với nhiều công cụ chỉnh sửa thông thường.

Tiết kiệm thời gian, chi phí

Anh Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng quay phim - Ảnh, Báo Lao động cho biết, hiện các công cụ AI đang được sử dụng tại tòa soạn để tạo ảnh, đọc lời bình, lên kịch bản chương trình, chuyển đổi qua lại giữa các định dạng text - voice, MC trường quay ảo, thiết kế…

Bóng dáng AI sau phóng sự điều tra đạt giải- Ảnh 2.

Phóng viên Phạm Sỹ Công (báo điện tử Dân Việt) trong quá trình thực hiện loạt bài điều tra về gỗ lậu.

Theo anh Thắng, các công cụ này không chỉ hỗ trợ, rút ngắn quy trình, thời gian và các công đoạn trong việc sản xuất các sản phẩm báo chí mà còn thay thế một số công đoạn của kỹ thuật, tiết kiệm được chi phí.

Nhờ sự trợ giúp của AI, nhiều nhà báo lớn tuổi tại Dân Việt còn có thể tạo ra những clip TikTok triệu view với người xem chủ yếu là giới trẻ. Bí quyết của họ là hỏi ChatGPT để có cách tiếp cận vấn đề theo góc nhìn của thế hệ GenZ.

Nhà báo Phạm Sỹ Công

Các công cụ AI có thể giúp phóng viên tạo ra một bức ảnh từ một đoạn văn bản mô tả chỉ trong vài giây; lên ý tưởng và kịch bản các phóng sự, chương trình, sự kiện từ những gợi ý của phóng viên một cách nhanh chóng. Các phóng viên sản xuất video có thể tạo ra các bản đọc lời bình chất lượng với mọi chất giọng ở các vùng miền chỉ với một cú click.

"Ngoài ra, phóng viên cũng dễ dàng có một văn bản chuẩn chỉnh từ những file âm thanh từ nhiều ngôn ngữ khác nhau chỉ trong "một nốt nhạc". Hay các bản tin video trong studio có thể được sản xuất bởi chỉ một người trong thời gian ngắn, thay vì huy động cả một ekip", anh Thắng nói.

Vận dụng AI cần linh hoạt

Anh Thắng cũng cho biết, theo quy chuẩn của báo Lao động, đa số video phải có lời bình, trừ trường hợp đặc biệt. Nhiều phóng viên không có chất giọng tốt, thường sử dụng công cụ AI chuyển text thành voice cho video của mình. Các dạng bài chỉ dẫn về y tế, sức khỏe, phóng viên thường sử dụng các công cụ tạo ảnh từ các đoạn mô tả bằng văn bản để minh họa.

Anh Thắng nhận xét, chất lượng của các sản phẩm có sự tham gia của AI khá tốt và ổn định, quan trọng là chuẩn hóa dữ liệu đầu vào để AI xử lý chính xác.

"Nhìn chung, các sản phẩm AI vẫn đảm bảo được chất lượng cơ bản của các sản phẩm báo chí, tuy nhiên nó vẫn dập khuôn, máy móc. Nếu muốn sản phẩm có tính sáng tạo, độc đáo, cảm xúc, vẫn cần có dấu ấn của con người', anh Thắng nhận định và nói thêm, các phóng viên chỉ nên sử dụng khi cần thiết, nếu quá phụ thuộc sẽ mất dần tính sáng tạo.

Tương tự, nhà báo Phạm Sỹ Công cho rằng, quá trình tác nghiệp, phóng viên cần xác định thời điểm nào, nội dung gì cần tới AI, tránh lệ thuộc, mất thời gian, thậm chí còn làm cho bài báo mất đi cái hay, cái chân thực vốn có: "Để sử dụng AI hiệu quả, cần biết hỏi đúng câu, dùng đúng cách".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.